MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa. Nguồn: internet.

Sân chơi bình đẳng hơn

DON LAM - CEO, VINACAPITAL LDO | 12/01/2018 06:39
Trong những năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực để đạt được bước tiến đáng kể trong việc giảm số lượng doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Trong khi năm 2000 có đến gần 6 nghìn DNNN hoạt động, thì theo kế hoạch, đến năm 2020 chỉ còn 190 Cty do Chính phủ nắm 100% vốn tại Việt Nam.

Đáng chú ý chương trình cổ phần hóa (CPH) tăng tốc đáng kể trong năm 2016, khi hơn 50 DNNN được chấp thuận kế hoạch CPH, lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược đạt hơn 300 triệu USD; bán thông qua đấu giá công khai đạt 189 triệu USD. Gần đây, Bộ Tài chính đã cập nhật quy trình CPH, giúp từ tháng 1 đến tháng 10.2017 có thêm 38 DNNN được phê duyệt đề án, với tổng mức định giá lên đến 3.6 tỉ USD.

Tháng 11.2017, đợt chào bán 3.3% cổ phần do SCIC quản lý tại Vinamilk đã rất thành công… Chính phủ cũng có dự định thoái bớt vốn tại một số doanh nghiệp (DN) khác như Vinaconnex, Nhựa Bình Minh và FPT và năm 2018, hy vọng nhiều thương vụ CPH được kỳ vọng khá lâu, bao gồm PV Oil, PV Power, Tập đoàn Caosu Việt Nam, TCty Thuốc lá Việt Nam… sẽ được tiến hành. Những DN này cùng các thương vụ thoái vốn khác đã lên kế hoạch cho đến năm 2020 dự kiến sẽ đem lại cho Chính phủ 12.7 tỉ USD…

Tất cả những cải thiện này có ý nghĩa đối với khu vực tư nhân. Hy vọng khi Việt Nam dần áp dụng mô hình Chính phủ đóng vai trò “regulator” - người tạo lập quy luật thị trường và đảm bảo các DN tuân thủ pháp luật, chứ không phải là “operator” - đơn vị trực tiếp điều hành DN. Từ đó sẽ giảm đi đáng kể các mâu thuẫn lợi ích thường xuất hiện khi Chính phủ phải đóng cả hai vai trò mang tính đối kháng nhau. Điều mà khối tư nhân kỳ vọng luôn là một sân chơi bình đẳng hơn cho tất cả bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giá cả quyết định rằng DN có thắng được nhiều đơn hàng và hợp đồng hay không (thay vì việc Cty đó có phải là của Nhà nước hay không).

Nguồn tiền thu về từ những chương trình này có thể được sử dụng khôn ngoan hơn, nhằm đem lại lợi ích cho người dân ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Hơn thế nữa, việc Chính phủ công nhận vai trò ngày càng quan trọng của khu vực tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam hôm nay và mai sau là điều có ý nghĩa lớn lao. Hơn hết, gần đây, việc có thêm nhiều kênh đối thoại hiệu quả như Diễn đàn Kinh tế tư nhân là một cột mốc quan trọng, thực hiện hiệu quả vai trò khuyến nghị thiết thực và mạnh mẽ với Chính phủ để cùng thiết lập một sân chơi bình đẳng cho nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn