MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thẻ ngân hàng “rác” - thiệt ai?

THẨM HỒNG THỤY LDO | 15/05/2018 06:40
“Cuộc chiến” dẹp loạn SIM “rác” bùng phát nhiều năm qua, đến nay chỉ giảm bớt chứ chưa loại bỏ được hẳn. 

Nhưng có một thứ hệ lụy mới, đã và đang đến gần hơn, từ thẻ ngân hàng “rác”, gồm thẻ ATM và các loại thẻ tín dụng, trong đó thẻ ATM chiếm tỉ trọng lớn nhất nhờ vào việc hiện thực hóa chủ trương giảm dần tiền mặt trong thanh toán giao dịch. Nhiều cơ quan nhà nước; đơn vị doanh nghiệp quốc doanh, FDI và tư nhân đã áp dụng việc chuyển lương, thưởng và các chế độ qua thẻ.

Thế nhưng, trong tổng số thẻ ngân hàng các loại phát hành tại Việt Nam đến cuối năm 2017, theo Hội Thẻ Việt Nam, chỉ có 77 triệu thẻ đang thực sự có hoạt động, còn 55 triệu thẻ kích hoạt xong để đó, trở thành thẻ “rác”. Những thẻ “rác” này thường được phát hành theo các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho người dùng trong một năm hoặc tặng quà theo số lượng thẻ được mở/một cá nhân. Một đóng góp không nhỏ khác vào 55 triệu thẻ ngân hàng “rác” hiện nay là thẻ ATM mở cho công nhân để nhận lương hằng tháng, sau khi doanh nghiệp chuyển đổi ngân hàng thì những thẻ của ngân hàng trước đó hầu như không còn được công nhân sử dụng.

Thẻ “rác” hẳn nhiên là cũng gây ra hệ lụy và thiệt hại. Về phía ngân hàng, thiệt hại đó không đáng kể lắm vì tất cả đều nằm trong tính toán. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng thì coi chừng tiền mất với thẻ “rác”. Thường thì các thẻ làm theo chính sách khuyến mãi không thu phí hay tặng quà v.v… chỉ trong năm đầu, các năm tiếp theo sẽ bị tính phí thường niên ở mức từ 200.000 đồng/năm trở lên, nhưng thường người dùng ít để ý hay quên rằng họ phải mất phí. Đối với thẻ tín dụng, mức phí thường niên tùy theo cấp thẻ có thể lên đến 500.000 đồng hoặc thậm chí 800.000 đồng/năm. Với thời hạn của một thẻ duy trì trong ít nhất 3 năm hoặc có thể dài hơn, thì người dùng sẽ mất hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng cho những năm tiếp sau.

Không chỉ thế, đối với thẻ tín dụng, khoản phí thường niên nếu quên thanh toán đúng hạn sẽ bị một số ngân hàng áp dụng chế độ phạt nợ quá hạn, tùy mức độ có thể bằng 50%, hoặc thậm chí 100% khoản phí thường niên, khiến người dùng thiệt đơn thiệt kép. Chính vì vậy, người dùng nên tỉnh táo với các chương trình mở thẻ ngân hàng được khuyến mãi vì được lợi trước mắt nhưng lại thiệt về sau. Tốt nhất chỉ nên mở thẻ khi thực sự có nhu cầu sử dụng, vừa để tránh tạo ra thẻ “rác” lại thêm bị mất phí và tiền phạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn