MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thông minh và nghiêm trị

Nguyễn Trung Hiếu LDO | 14/11/2017 07:30
Nhiều năm qua, hiện tượng hàng hóa không đủ chất lượng, giả nhãn mác tràn lan, và nhiều khẩu hiệu của các tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm kêu gọi người tiêu dùng phải làm “người tiêu dùng thông minh”, tức là phải biết tự bảo vệ mình. Gần đây kinh tế Việt Nam bắt đầu quen với khái niệm công nghệ 4.0. Đó là xu hướng cả thế giới đang đi, gọi nôm na là kỷ nguyên số. 

Công nghệ này hiện diện trong mọi ngóc ngách của cuộc sống vì ích lợi của nó. Chuyên gia tư vấn luật  - AVSE Global, Lê Thị Thiên Hương - nhận định, nền kinh tế số mở ra hàng loạt cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp, cũng như đem lại cho người tiêu dùng vô số ứng dụng công nghệ đưa chất lượng cuộc sống lên một tầm cao mới, nhưng nó cũng tạo ra rất nhiều nguy cơ tiềm tàng cho người tiêu dùng.

Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến và ngày càng tăng nhanh. Thói quen mua sắm mới này ở Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng, như việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng, đảm bảo thông tin trung thực về sản phẩm, cũng như việc giải quyết khiếu nại phát sinh từ thương mại điện tử. Tháng 7 vừa qua, Liên hiệp viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union) đã đưa ra Chỉ số an ninh mạng quốc gia (Cyber security Index) năm 2017. Việt Nam đứng ở vị trí 101, thấp hơn cả Lào (thứ 77), Campuchia (thứ 92)... Các doanh nghiệp thu thập gần như toàn bộ thông tin về hành vi, thói quen tiêu dùng… của khách hàng trong quá trình giao dịch, thậm chí trên các mạng xã hội. Hoạt động thu thập và khai thác thông tin cá nhân đã trở nên căn bản và phổ biến trong nền kinh tế số. Thậm chí, việc các doanh nghiệp mua bán, trao đổi danh sách khách hàng với mọi thông tin cá nhân, thói quen tiêu dùng là không hiếm ở Việt Nam.

Hiện tượng đó đã đặt ra trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý thông tin khách hàng. Và hành vi vi phạm an toàn thông tin cá nhân tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cần phải bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự… Nước ta tuy đã có Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, cũng như Luật Bảo vệ người tiêu dùng… nhưng vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng, trong đó chế tài xử phạt còn chưa đủ nghiêm khắc. Do vậy để nền công nghệ 4.0 thực sự trở thành hiện thực thì mảng pháp luật an toàn cho người tiêu dùng trong kỷ nguyên số cũng cần phải đặc biệt coi trọng không kém.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn