MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ, nguồn: Báo Công thương.

Tiếp tục dỡ bỏ rào cản thị thực

TRẦN TRỌNG KIÊN (Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng) LDO | 03/01/2018 06:46

Ngành du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể, với số du khách quốc tế đạt con số kỷ lục từ trước đến nay. Có nhiều yếu tố đưa đến kết quả này, trong đó có chính sách miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu, đẩy mạnh cấp thị thực điện tử...

Tuy nhiên, những kết quả trên là chưa đủ để tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành du lịch, vì chỉ chú trọng số lượng mà chưa phải chất lượng du khách; quá trình phát triển nóng về du khách chưa đi đôi với phát triển năng lực quản lý điểm đến và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; khâu quảng bá du lịch quốc gia cũng có thể làm tốt hơn rất nhiều, nếu áp dụng các cơ chế linh hoạt và nhận được đầu tư thích đáng của nhà nước.

Các vấn đề này cho thấy, năm 2018 sẽ cần nhiều hơn nữa những cố gắng cả từ phía Chính phủ, bộ, ngành và Doanh nghiệp (DN) để tạo tiền đề nhằm đạt những mục tiêu đề ra: Đến năm 2020 ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm...

Muốn được vậy, DN kỳ vọng Chính phủ cần làm nhiều việc, trong đó sớm dỡ bỏ rào cản chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam, vốn thiếu sức cạnh tranh và hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực. Hiện Việt Nam miễn thị thực cho công dân của 23 quốc gia trên thế giới (thấp hơn nhiều so với quốc gia).

Với thời gian 15 ngày lưu trú, ít hơn độ dài ngày trung bình khách quốc tế đến Việt Nam và ít hơn nhiều so với chính sách của các nước láng giềng. Không những vậy, quy định “Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày” càng hạn chế số khách quốc tế trong những tour du lịch kết hợp với các nước lân cận. Hơn thế, Chương trình cấp thị thực điện tử chưa đáp ứng được kỳ vọng khi trang web xuất nhập cảnh còn khó khăn cho việc tìm kiếm của du khách, cũng như tốc độ truy cập chậm.

Mặc dù các vấn đề nói trên đã có những chuyển biến sau các cải cách của Chính phủ và các bộ, ngành, nhưng tiếp tục dỡ bỏ các rào cản trong lĩnh vực du lịch là yêu cầu tất yếu, đồng thời cũng là “chìa khóa” để hướng tới mục tiêu thu hút các du khách chất lượng, có chi trả cao nhằm phát huy hiệu quả nhất các tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn