MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân dân, du khách dự lễ hội Minh Thề (Kiến Thuỵ, Hải Phòng). Ảnh: M.Dung

"... lấy của công làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử!..."

Lê Thanh Phong LDO | 06/02/2023 06:00

Lễ hội Minh Thề diễn ra vào ngày 14, 15, 16 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội chính thức được khôi phục từ năm 2002 trên nền cốt của Hội Minh thề xưa.

Ngày 4.2 (tức 14 tháng Giêng), tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Hòa Liễu (thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng), UBND xã Thuận Thiên tổ chức lễ hội Minh Thề.

Xin lưu ý, ai tham gia lễ hội Minh Thề, đó là người dân và du khách.

Thời nhà Mạc giữa thế kỷ 16, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung) đến ấp Lan Niểu (Hòa Liễu ngày nay) bỏ tiền của, đứng ra vận động, tu tạo lại chùa Hòa Liễu, rồi cùng dân làng lập ra Hịch văn hội Minh Thề (năm 1561). Trong đó quy định những điều được làm, phải làm và những điều không được làm cho tất cả các thành phần từ hương chức đến dân thôn.

Năm 2017, Hội Minh Thề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Minh Thề là di sản văn hóa, vì mang ý nghĩa và giá trị rất lớn lao về đạo đức, lối sống, phép tắc ứng xử trong cộng đồng. Đặc biệt, lễ hội đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kỷ cương phép nước.

Một ý nghĩa mang tính thời sự, đó là chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Hãy nghe hịch văn Minh Thề: “Nếu lấy của công làm việc công được thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử! Y như lời thề…”.

“Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề…”.

Sau đó, chủ tế dùng dao cắt tiết gà vào bình rượu, mời mọi người cùng uống rượu thề.

Như vậy là đã rõ. Người dân đến lễ hội Minh Thề sẽ thề không làm những việc sai trái, không trộm cắp của nhau. Đây cũng là việc tốt, nhắc nhở nhau tôn trọng pháp luật, sống đàng hoàng tử tế, cư xử có văn hóa, văn minh với xóm giềng và cộng đồng.

Còn lời thề "không có lòng tham, lấy của công làm của tư" thì chủ yếu dành cho người có chức vụ, là quan không phải dân. Tham nhũng thuộc nhóm tội phạm có chức vụ, người dân không có chức vụ, khó có thể tham nhũng được.

Trong lễ hội, có "đông đảo người dân", nhưng có được bao nhiêu cán bộ, bao nhiêu quan chức.

Nhiều người đến nơi "thiêng liêng" khác để cầu lộc, cầu tài, cầu thăng quan tiến chức. Có mấy ai đến lễ hội Minh Thề để thề không tham nhũng?

Cho nên, người dân bình thường, có uống rượu thề thì cũng chỉ thề chuyện của dân, không làm thay chuyện của quan được.

Có điều, lễ hội cũng chỉ là thông điệp mà tiền nhân để lại, nhắc nhở con cháu đã làm quan thì phải liêm khiết, không được lạm dụng của công. Còn việc người làm quan có đến lễ hội để thề hay không cũng không quan trọng.

Bởi vì ngày nay, những ai tham nhũng thì không đợi đến "thần linh đả tử" mà pháp luật nghiêm trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn