MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2027. Ảnh: Trung Nguyên

12 năm cho 404,8km đường sắt đô thị Hà Nội, nhưng đến nay hơn 10 năm chỉ hoàn thành 13km!

Lê Thanh Phong LDO | 22/01/2024 07:24

Theo quy hoạch, TP Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 417,8km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,5 tỉ USD.

Đến nay, Hà Nội mới hoàn thành được 13km (tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông) và đang thi công 12,5km tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Để hoàn thành được 404,8km còn lại trong 12 năm (đến năm 2035), Hà Nội cần bố trí khoảng 37 tỉ USD.

Câu hỏi đầu tiên là 12 năm nữa, có hoàn thành 404,8km còn lại hay không?

Bởi vì, cái "gương" Cát Linh - Hà Đông còn sờ sờ ra đó. Chỉ 13km, tuyến đường sắt này phải xây dựng mất 10 năm, với bao nhiêu chỉ đạo, cam kết, nhưng vẫn trễ hẹn, đội vốn và... trễ hẹn. Nếu vẫn làm theo cách cũ, tư duy cũ, quản trị cũ, trí tuệ cũ, thì 12 năm nữa, đường sắt đô thị Hà Nội khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Câu hỏi thứ 2, cho dù hoàn thành, thì với 417,8km, có theo kịp sự gia tăng dân số tự nhiên và cơ học của Thủ đô, tham gia giải tỏa được áp lực giao thông khủng khiếp của đô thị này.

Hãy quan sát tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ thấy, hiện đón khoảng 35.000 - 36.000 lượt khách/ngày. Con số này vẫn rất nhỏ so với dân số của Hà Nội hiện tại là khoảng 8,5 triệu, chưa kể khách vãng lai.

Dân số Thủ đô mỗi năm tăng trung bình 160.000 (tương đương một huyện), dự kiến sau 10 năm nữa từ 8,3 triệu người năm nay lên gần 10 triệu vào 2030. Như vậy, thêm vài chục km đường sắt đô thị cũng không giải quyết được áp lực giao thông, mà phải con số ngàn, cùng với nhiều phương tiện công cộng và các giải pháp hỗ trợ khác.

Việc lớn hơn rất nhiều, chỉ riêng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, hãy làm cho thật tốt, triển khai nhanh, hoàn thành đúng tiến độ, đừng như tuyến Cát Linh - Hà Đông để dân được nhờ.

Muốn hạn chế phương tiện cá nhân, hãy cho người dân phương tiện công cộng để thay thế. Ai cũng biết chắc chắn rằng, nếu có phương tiện công cộng thuận lợi, tiết kiệm, an toàn, người dân sẽ lựa chọn để đi lại, nhưng chính quyền đã không cung cấp các sản phẩm đó cho người dân.

Một tuyến đường sắt đô thị "bơ vơ" không có sự kết nối với các phương tiện công cộng khác, sẽ khó để thu hút được hành khách. Nhưng muốn có nhiều tuyến để tạo mạng lưới đường sắt đô thị, thì cần không chỉ tiền, mà năng lực quản lý các dự án.

Hy vọng Hà Nội sẽ xuất hiện những tài năng đủ sức gánh vác các dự án hạ tầng giao thông, để 12 năm nữa, người dân có được hơn 400km đường sắt đô thị để đi lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn