MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn hộ siêu sang siêu đắt 1 tỉ đồng/m2 đã xuất hiện. Trong khi người Việt bình dân cần 120 năm lao động mới mua được nhà. Ảnh: Gia Miêu

120 năm mới mua được nhà: Bài toán khó của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị

Đào Tuấn LDO | 01/11/2022 11:21

Bạn có thể tưởng tượng được không: Giá căn hộ chung cư đã đạt mốc 1 tỉ đồng/m2. Trong khi, người Việt chúng ta phải lao động 120 năm để mua được một căn nhà.

Giáo sư Đặng Hùng Võ vừa đưa ra một chỉ số quan trọng là “Tỉ số giữa giá nhà ở trung bình trên tiền lương trung bình”.

Tại các nước Châu Âu, tỉ số này là từ 2 tới 4. Giả sử, mỗi lao động có thể tiết kiệm được 25% tiền lương, có nghĩa là sau 4 năm sẽ tiết kiệm được 1 năm lương. Với tỉ số là 2 thì sau 8 năm làm việc, người lao động có thể mua được nhà.

Trong khi ở Việt Nam, trong cơn sốt giá đất những năm 2007 - 2008, tỉ số này là 25, tức là phải làm 100 năm mới mua được nhà. Và trong cơn sốt đất hiện nay, tính sơ bộ, tỉ số này là 30. Có nghĩa rằng chúng ta phải làm việc cật lực trong 120 năm mới mua được nhà.

Trong tương quan so sánh, Giáo sư Đặng Hùng Võ có nhắc đến Thái Lan với tỉ số là 7, tức là sau 28 năm làm việc sẽ mua được nhà.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đã từng có văn bản cấp bách gửi Thủ tướng về hai vấn đề cũng... cấp bách. Đó là tình trạng nguồn cung nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội đang thiếu nghiêm trọng.

Thiếu đến mức loại nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% thị trường trong năm 2020 và bằng 0%, tức là biến mất hoàn toàn trong năm 2021.

Chính việc thiếu hụt nguồn cung 2 phân khúc có nhu cầu thật và nhu cầu lớn... đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Theo HoREA, chỉ số giá nhà ở Việt Nam đang cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội.

120 năm làm việc mới mua được nhà. Chỉ số giá nhà đang cao gấp 20 lần thu nhập xã hội. Nhưng còn có những con số còn ghê gớm hơn: Những căn hộ chung cư đạt với mức giá 1 tỉ đồng/m2. Và tỉ lệ 0% phân khúc nhà bình dân.

Bộ Xây dựng trong văn bản gửi Quốc hội cũng xác nhận tình trạng “lệch pha” với việc phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa (thậm chí có phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025). Trong khi nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thì mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu.

Phát triển thị trường bất động sản lành mạnh như thế nào đang là bài toán không dễ đối với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị.

Bởi, dù cơn sốt đất đang giảm dần, nhưng việc hạn chế cung tiền vào bất động sản cũng đang khiến thị trường khan vốn trầm trọng. Cho kể cả những phân khúc cơ bản.

Làm thế nào để có vốn, để bơm đúng nơi cần thì một bộ trưởng lại không thể quyết định được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn