MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
30 ngày nữa sẽ sang năm 2020, có bao nhiêu cử nhân tốt nghiệp có thể sử dụng ngoại ngữ như mục tiêu của đề án 9.400 tỉ đồng?

16 triệu USD đã đi đâu, 9.400 tỉ đã tiêu vào việc gì?

Anh Đào LDO | 02/12/2019 13:05

16 triệu USD (tương đương 370 tỷ đồng) vốn vay ODA dành để biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK)  bây giờ ở đâu? đã được dùng làm gì khi mà kế hoạch viết một bộ SGK của Bộ GD&ĐT đã bị phá sản?

Người đặt câu hỏi về sự “rõ ràng, minh bạch”, “sử dụng đúng mục đích, hiệu quả” của khoản tiền không nhỏ này là TS Hoàng Ngọc Vinh. Phải mở ngoặc thêm, TS Vinh nguyên là Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT.

Nhưng thật ra, 16 triệu USD chỉ là một phần nhỏ trong tổng Kinh phí đầu tư cho dự án Đổi mới giáo dục phổ thông lên tới 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng).

Nhưng thật ra, câu hỏi của TS Vinh, chỉ giống như thêm một cái gạch đầu dòng cho vô số các câu hỏi về những dự án trăm tỉ, thậm chí ngàn tỉ trong ngành giáo dục, những dự án tiêu tiền thật, nhưng tiêu vào việc gì? hiệu quả ra sao thì rất khó để trả lời.

Có lẽ, hoàn toàn không thừa mở ngoặc về 87,6 triệu USD Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) khi nó bị phản ứng dữ dội và hàng loạt các địa phương “xin rút”. Hay chỉ là chuyện lẳng lặng thí điểm, lẳng lặng tiêu xài, đem học sinh gần 4.000 trường trên toàn quốc ra thí điểm rồi sau đó thì...kệ?

Có lẽ, hoàn toàn không thừa khi nhắc lại, chỉ còn chưa đầy 30 ngày nữa là sang năm 2020. Năm cột mốc mà Đề án Dạy và học ngoại ngữ nêu mục tiêu “đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam".

Bây giờ, tỉ lệ ấy là bao nhiêu? Đã tiêu bao nhiêu trong số 9.400 tỉ dành cho đề án dạy và học ngoại ngữ 2008-2020?

Phải đặt câu hỏi, cũng đã là một câu trả lời.

Năm 2004, ĐBQH Nguyễn Đức Dũng từng gây chấn động nghị trường khi đề nghị Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời điều tra chất lượng giáo dục.

Luận điểm của ông là ngân sách chi cho giáo dục chiếm 19% tổng chi ngân sách, tương đương 55.000 tỉ đồng- một khoản đầu tư khổng lồ nhưng sử dụng quá lãng phí.

Chất vấn của ông là về chuyện chuyên gia trong các dự án được trả 12-15.000 USD/tháng, tương đương 200 triệu đồng trong khi lương tháng một công chức bình thường chỉ 1 triệu đồng.

Câu hỏi của ông là “Tại sao người ta chỉ cần 100 tỉ mà Bộ GD-ĐT chi hàng nghìn tỉ mà SKG vẫn không ổn định, nhiều sai sót?

Đánh giá của ông là các dự án ngành giáo dục “không thống nhất, quản lý lỏng lẻo, lãng phí tiêu cực, tùy tiện...

Hồi ấy, không có Ủy ban lâm thời nào được lập. Hôm ấy, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển trả lời có một ý: Nếu có qui định được khước từ, tôi đã xin khước từ trả lời câu hỏi của đồng chí Dũng.

Và vì thế, bây giờ những câu hỏi về triệu USD, về ngàn tỉ ngàn tỉ lại được đặt ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn