MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một con đường lớn nối tới công trình xây dựng khổng lồ ngay sát hồ Đại Lải. Ảnh: PV

16.000m2 hồ bị xẻ thịt chứ đâu phải cái ao!

Đào Tuấn LDO | 21/07/2020 08:12
Sau rất nhiều lùm xùm quanh chuyện hồ Đại Lải bị xẻ thịt và cuộc thanh tra kéo dài như caosu, cuối cùng, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng lên tiếng: Tỉnh đang cho rà soát lại, đang phải kiểm tra thêm về kết luận của Tổng cục Thủy lợi.

Phải nhắc lại là Vĩnh Phúc ngày 17.4 đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật với các dự án, công trình trong lĩnh vực du lịch sinh thái, vui chơi, biệt thự tại xã Ngọc Thanh. Và dù thời hạn kiểm tra nêu trong quyết định đã quá hơn hai tháng nhưng đến nay tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa đưa ra kết luận gì. 

Hồ Đại Lải bị xẻ thịt, nghiêm trọng đến mức Tổng cục Thủy lợi có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) vào cuộc, phối hợp xử lý.

Không hề khó để nhận ra sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương khi việc lấn chiếm diễn ra suốt từ 2019, rầm rộ và công khai đến mức các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT phải vào cuộc, tiến hành kiểm tra.

Theo kết luận 253 của Tổng cục Thủy Lợi: Việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ. 

Và từ việc giao dự án này, hàng loạt các DN tiến hành san nền, xây tường kè, đắp đường ngăn hồ trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước nhưng không có giấy phép hoạt động hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép. 

Kết luận 253 thậm chí đã chỉ rõ tên các DN vi phạm mà điển hình nhất là Công ty TNHH Đại Lải với việc tôn nền dự án theo quyết định số 41 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc (cấp năm 2017) với mục đích xây dựng khu nhà ở sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng.

Cái khu nhà ở sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng ấy lọt trong phần đất ngập hoàn toàn, chiếm dung tích làm việc của hồ. 

Vĩnh Phúc có cần kiểm tra lại kết luận thanh tra của Tổng Cục Thủy lợi? Điều đó cần nhưng quan trọng hơn là tỉnh cần làm rõ sự thiếu trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc quản lý một hồ chứa, như một tài nguyên quốc gia mà việc xâm hại đã hết sức rõ ràng. Làm rõ được trách nhiệm quản lý trong việc cấp phép dự án, để rồi bị lợi dụng.

Những 16.000m2 diện tích hồ bị lấn chiếm chứ đâu phải cái ao mà không biết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn