MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn ở Công viên Tao Đàn Ảnh: Minh Quân

2 người chết ở Tao Đàn, đừng sợ trách nhiệm mà "xử" cây xanh

Lê Thanh Phong LDO | 11/08/2024 16:45

Vụ cành cây dầu rơi từ độ cao khoảng 25m làm 2 người chết và 3 người bị thương ở Công viên Tao Đàn ngày 9.8 đặt ra tranh luận về trách nhiệm của đơn vị quản lý.

UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng và UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về vụ cành cây gãy đè chết 2 người, làm bị thương 3 người ở Công viên Tao Đàn (Quận 1). Theo đó yêu cầu xác định rõ nguyên nhân xảy ra sự cố và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan; đề xuất hướng xử lý, báo cáo UBND TPHCM.

Một vụ tai nạn làm chết 2 người và 3 người bị thương là nghiêm trọng, việc làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm là cần thiết. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM - đơn vị quản lý cây xanh ở Công viên Tao Đàn không thể không chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, cần làm rõ mức độ trách nhiệm, mức độ rủi ro trong vụ tai nạn chết người này. Xử lý sai phạm phải dựa trên các chứng cứ, yếu tố khách quan, công bằng, có sức thuyết phục.

Buổi sáng xảy ra sự cố, không mưa, không giông gió, nhưng cành cây vẫn gãy rơi xuống đè chết người. Đây là yếu tố rủi ro.

Theo quan sát ban đầu, cây dầu bị gãy cành có khiếm khuyết bên trong, song không biểu hiện bên ngoài. Cây vẫn tươi tốt, lá xanh. Những hình ảnh. video clip ghi lại hiện trường cũng cho thấy điều đó.

Nếu như các cành cây trong Công viên Tao Đàn đều có biểu hiện bên ngoài tương tự, kể ra cũng khó có thể biết được tình trạng bên trong. Có thể kiểm soát được cây mục ruỗng, nhưng liệu có thể kiểm soát hết tất cả các cành cây, nhánh cây hay không, có thiết bị đo hay chỉ quan sát bằng mắt thường theo kinh nghiệm?

Đối với đơn vị quản lý, nếu phân công nhân viên theo dõi, xử lý thường xuyên các cây khô mục, nhưng không phát hiện cành cây gãy này do bên ngoài vẫn xanh tốt, thì đó là điều bất khả kháng. Ngược lại, đó là cây mục, nhưng không xử lý kịp thời để xảy ra tai nạn thì phải chịu trách nhiệm.

Cũng cần chia sẻ với công nhân chăm sóc cây xanh, "ứng xử" với cây không dễ dàng, người dân theo dõi, quan sát, nếu thấy chặt một cành cây cũng phản ánh, thậm chí nặng lời. Nhưng khi cây gãy đổ gây thiệt hại về người hay tài sản, lại phải chịu trách nhiệm.

Hãy chờ các cơ quan chức năng xác định, kết luận.

Nhưng còn việc khác phải bàn, đó là thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về tổ chức kiểm tra toàn diện hệ thống cây xanh công cộng trên địa bàn; xử lý kịp thời, phù hợp đối với những trường hợp cây xanh có nguy cơ gãy đổ gây mất an toàn.

Kiểm tra, xử lý những cây có nguy cơ gãy đổ mất an toàn là cần, nhưng đừng như "chim sợ cành cong", qua vụ tai nạn này, thẳng tay chặt cành, cưa hạ cây.

Làm gắt quá lại gây thiệt hại cho mảng xanh của thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn