MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vì "quy trình", 20.000 viên thuốc chữa ung thư phải tiêu huỷ trong khi bệnh nhân chết vì thiếu thuốc. Và giờ, đến lượt 22.000 hộp sữa chờ quy trình cả tháng. Ảnh: K.Q

22.000 hộp sữa chờ quy trình: Lỗi quy trình thì phải xử quy trình?

Đào Tuấn LDO | 09/11/2021 15:49

Hồi đương chức, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng có phát ngôn lừng danh: “Lỗi của vaccine thì xử vaccine”. Nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục. Như cái “quy trình” khiến 22.000 hộp sữa cứu trợ phải chờ cả tháng.

22.000 hộp sữa do kiều bào ở Australia gửi tặng trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh (TP) nhưng mà rồi "gần một tháng chưa lấy ra được”- Phát biểu nghị trường của Chủ tịch mặt trận tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, bà Tô Thị Bích Châu.

Bà Châu nhấn mạnh hoàn cảnh là trong giai đoạn chống dịch đến “nước sôi lửa bỏng”.

Khi hàng về, Mặt trận đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm (ATTP) và Cục Thú y. Cục Thú y đã trả lời trong 2 ngày, nhưng Cục ATTP lại đề nghị TP xin ý kiến Chính phủ.

Và khi văn bản được gửi lên Chính phủ thì Chính phủ giao lại để Cục ATTP trả lời.

"Vậy tại sao Cục không nêu chính kiến của mình? Cách làm của Cục đúng quy trình nhưng không đúng tinh thần chống dịch như chống giặc"- Lời bà Châu.

Một phát biểu với rất nhiều bức xúc. Nhưng mà trong đó, người dân đọc thấy 3 chữ “đúng quy trình”.

Đúng! Có nghĩa là Cục ATTP đã không làm sai.

Không sai nhưng vì quy trình mà lô hàng cứu trợ trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng”, phải chờ cả tháng thì cái không sai ấy để làm gì?

Không sai nhưng trong hoàn cảnh “chống dịch như chống giặc” có khác nào người lính tuyến đầu phải có công văn xin lấy đạn ra khỏi hòm - cho đúng quy trình?

Thực tế, có những lô hàng viện trợ mất đến 1 năm để làm thủ tục. Đó là thời gian mà viện Truyền máu Huyết học (TPHCM) phải chờ để nhận được thuốc đặc trị ung thư Tasigna. Trong thời gian chờ đợi thuốc nhập về, nhiều bệnh nhân ung thư đã tử vong vì thiếu thuốc. Và vì phải chờ đến 365 ngày, khi thuốc về đến nơi, hạn sử dụng chỉ còn… 10 tháng, buộc phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc rất đắt đỏ này trong khi nhiều bệnh nhân nghèo “năn nỉ” được sử dụng.

Câu chuyện trách nhiệm đã được bà Châu nói đến. Nhưng “cái gốc’, vẫn phải sửa đổi cái quy trình.

Bởi nếu đúng quy trình thì làm sao xử lý trách nhiệm được! Bởi nếu quy trình đúng mà nó khiến mọi việc, kể cả cứu trợ khẩn cấp cứ ung dung nhàn tản như thể chờ hái hoa hồng thế thì tiếc gì mà không mang ra “xử”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn