MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Phiếu điều tra" mà Trường THCS Duy Ninh buộc học sinh phải trả lời sau scandal 231 cái tát (ảnh nhỏ). Ảnh: SGGP.

231 cái tát và 19 câu hỏi “khủng bố”

Anh Đào LDO | 03/12/2018 14:08

Scandal 231 cái tát ở Quảng Bình lại vừa có những diễn biến ngoài sức tưởng tượng. 23 học sinh lớp 6 vừa bị buộc phải trả lời 19 câu hỏi khủng bố. 19 câu hỏi trong một “phiếu điều tra” không khác gì một bản cung.

Cô T quy định phạt tát thời gian nào? Khi tát bạn N, cô T có mặt ở lớp không? Em tát vào bạn N mạnh hay nhẹ? Bạn N có nói tục không? Khi tát bạn N có khóc không? Sau khi tát, má bạn N có đỏ không? Sau khi tát, bạn N có bị chảy máu không? Sau khi tát bạn N, cả lớp có sợ hãi bật khóc không? Sau khi tát, bạn N có ở lại học không?...

Có người nói đúng! Đó là những câu hỏi “khủng bố”! Trong một “phiếu điều tra” không khác gì một bản cung.

Báo SGGP dẫn lời Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh thanh minh đó chỉ là “phiếu... điều tra”. Cho dù ngoài những câu hỏi, học sinh trả lời phải viết họ tên đầy đủ vào giấy do nhà trường phát, phải ghi cả giới tính cũng như cuối mỗi tờ giấy phải ghi: “Lời khai của em…”.

Và có lẽ, mục đích cuối cùng của những “bản cung” này có thể nhìn thấy rất rõ qua bao cáo mà trường Duy Ninh gửi các cấp. “học sinh bị các bạn tát 231 cái tát là có thật nhưng trong đó có 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh. Cô T có chứng kiến 1 bạn tát sau đó mới rời khỏi lớp. Cô T không ra lệnh tát, nếu ai tát nhẹ thì bị tát. Bạn N không bị chảy máu; không có bạn nào sợ hãi và khóc; bạn N vẫn ở lại học đến cuối buổi học; bạn N vào viện điều trị chứ không phải cấp cứu.

19 câu hỏi này để làm gì nếu không phải là cách khỏa lấp 231 cái tát. “Phiếu điều tra” này mục đích gì nếu không phải là cách áp chế, để che đậy scandal bạo lực kinh hoàng vừa diễn ra?

Lưu ý, chính nữ hiệu trưởng từng đề nghị báo chí không đưa tin vì sợ ảnh hưởng đến “chuẩn” của trường.

“Phiếu điều tra” mà Trường THCS Duy Ninh buộc học sinh phải trả lời sau scandal 231 cái tát. Ảnh: SGGP.

Nếu scandal 231 cái tát đang “sỉ nhục giáo dục”, đang gây tổn thương xã hội khi bản chất nó buộc những đứa bé - trang giấy trắng dùng bạo lực với bạn, để tự bảo vệ mình, thì bản cung với 19 câu hỏi không khác gì việc buộc các em phải nhìn khác, nói khác, theo những gì mà nhà trường mong muốn. Không khác gì cuốn các em vào cuộc đua danh hiệu, đua thành tích rất hình thức.

Hậu quả từ 231 cái tát và 19 câu hỏi khủng bố phải chăng sẽ tạo ra những đứa bé tổn thương với bạo lực và những đứa bé nhìn thấy cách đối phó, sự dối trá từ những người đang dạy dỗ chúng?

231 cái tát đang đã gây tổn thương xã hội, nhưng chính 19 câu hỏi, chính thứ “bản cung” mà bà hiệu trưởng vừa tạo ra lại đang làm chút bấu víu niềm tin cuối cùng vào giáo dục lung lay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn