MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Lê Quý Đôn, Quận 3, TP.HCM - nơi đang "nổi tiếng" nhất nước với khoản thu quỹ lớp dự kiến hơn 270 triệu đồng. Ảnh: Huyên Nguyễn

270 triệu đồng/năm: Quỹ phụ huynh hay quỹ phụ thu?

Anh Đào LDO | 08/10/2022 12:13

Với chính xác là 270,367 triệu đồng tiền quỹ dự kiến thu, chia cho 33 học sinh thì mỗi học sinh phải gánh 8 triệu đồng tiền quỹ lớp.

Theo bảng dự tính thu - chi hỗ trợ hoạt động năm học 2022-2023 lớp 9/12 của Trường THCS Lê Quý Đôn, Quận 3, TPHCM đã ngay tập tức gây choáng dư luận.

Choáng. Khi tổng số dự thu cho năm học lên đến hơn 270,3 triệu đồng.

Choáng! Vì các khoản thu “năm cha ba mẹ”: Nào là tiền quà 20.11 cho các giáo viên là 21 triệu đồng. Tiền quà Tết cho thầy cô 27 triệu đồng. Rồi tiền kỷ yếu 59,4 triệu đồng; Tiền văn nghệ 25 triệu đồng... Tổng cộng đến 32 khoản.

Chưa kể các khoản tiền “hoạt động dã ngoại”, “đón tết - hội hoa xuân”, “lệ phí thi tuyển sinh 10” còn chưa được tính mà sẽ… thu trực tiếp từ học sinh.

Choáng, vì với học phí bậc THCS tại TPHCM hiện đang là 60.000 đồng/tháng thì số tiền quỹ khủng này còn hơn cả 13 tháng tiền học phí.

Và nói đến học phí, không thể không nhắc lại: Tại Nghị quyết số 121/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2022, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về lộ trình học phí, đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS và mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện trường học để học sinh mượn dùng.

Chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022 - 2023.

Những động thái có ý nghĩa sẻ chia rất lớn với người dân sau 2 năm khó khăn bởi đại dịch và bão giá.

Ấy thế mà... cái quỹ phụ huynh. Cứ thế là đè ra thu, thu bất tận, năm nào cũng thế. Và năm nào cũng tạo lập ra những kỷ lục mới về sự vô lý.

Không dưng mà chính các phụ huynh mỉa mai gọi cái hội phụ huynh này là hội thu tiền, còn quỹ phụ huynh là quỹ phụ thu.

Có một chi tiết sau việc thu quỹ lớp rất lớn, rất "khủng" này, là “người phán xử” sau khi sự vụ bị phát hiện lại là… thầy hiệu trưởng.

Không khó đoán là việc dừng thu, là cam kết “tiếp tục rà soát, kiểm tra các lớp còn lại trong toàn trường để đảm bảo thực hiện đúng quy định”. Thậm chí còn nhấn mạnh những “chân lý”: “Nhu cầu tới đâu thì thu tới đó", đảm bảo việc thu đủ, chi đủ, cần dùng gì, chi vào hoạt động gì thì mới bàn với phụ huynh và thống nhất. Cứ như thể trường chẳng liên quan gì hết, chẳng biết gì hết. Cứ như thể chuyện xảy ra ở đâu chứ không phải ngay trong trường mình.

Nếu không ràng buộc được trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, từ các thầy hiệu trưởng... để mỗi khi sự vụ bị phát hiện họ còn đóng vai “người phán xử” - thì nói thẳng là chẳng bao giờ dẹp được nạn lạm thu cả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn