MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụ Oki cùng con cháu chụp hình lưu niệm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: NVCC/Thanh Niên

2,9 triệu đồng cho 5 phút xích lô là cưỡng đoạt

LÊ THANH PHONG LDO | 06/08/2019 08:49

Cụ Oki Toshiyuki đi dạo thì có một người đạp xích lô đẩy xe theo mời. Cụ Oki Toshiyuki đồng ý thuê người đàn ông này chở về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside trên đường Tôn Đức Thắng. Tới nơi cụ Oki trả 500 ngàn đồng nhưng anh này đòi thêm. Cụ Oki chưa kịp rút tiền thì bị người đàn ông thò tay vào bóp lấy thêm các tờ tiền mệnh giá 500 và 200 ngàn rồi bỏ đi.

Dù là nạn nhân bị “chặt chém” nhưng du khách lớn tuổi này vẫn cho rằng, lỗi là của mình vì đã không hỏi giá trước khi lên xe. Vụ việc xảy ra ngày 3.4 tại TPHCM.

Nhiều người cho rằng chuyện quá xấu hổ đối với người Việt Nam, đồng thời đây cũng là hành động đuổi du khách ra khỏi nước mình.

Ngành du lịch chăm chút sản phẩm đến đâu cũng vô nghĩa khi còn người ứng xử như kẻ cướp với du khách.

Cụ già người Nhật sẽ rất buồn, không phải là bị mất 2,9 triệu đồng, mà có lẽ vì mất niềm vui của một chuyến đi. Tình cảm của cụ dành cho Việt Nam bị tổn thương vì có một người lừa đảo, cưỡng đoạt của một cụ già.

2,9 triệu đồng cho 5 phút xích lô là trấn lột, người lái xích lô không phải lao động kiếm sống mà một kẻ cướp.

Đây có phải là vụ cưỡng đoạt lần đầu không? Xin thưa chắc chắn là không. Bởi vì có rất nhiều vụ tương tự nhưng không ai biết, nạn nhân không biết khai báo với ai hoặc không muốn khai báo.

Trên địa bàn TPHCM, đặc biệt là ở các quận trung tâm, có nhiều người đạp xích lô hoạt động. Trong số đó, có không ít người không lương thiện, dụ dỗ du khách đi xe, sau đó “chặt chém”. Những chuyện “chặt chém” xảy ra thường xuyên nhưng không ai can thiệp, du khách ngậm đắng nuốt cay và tất nhiên ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực vì tệ nạn này.

Cùng với xích lô, có một số người hoạt động “kinh doanh” kiểu khác. Chung quanh khu vực Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, thường có những người đàn ông gánh dừa bán cho du khách giải khát. Có người làm ăn lương thiện, nhưng cũng có người lợi dụng sự ngây thơ của du khách để lừa đảo.

“Chặt chém” một quả dừa giá gấp 3 - 5 lần là lừa đảo. Nhưng chưa hết, họ đưa gánh mời du khách “gánh thử cho biết” hoặc chụp ảnh làm kỷ niệm, rồi sau đó đòi du khách trả tiền. Du khách ngớ người không hiểu, nhưng vì bị “mắc bẫy” nên phải trả tiền.

Đô thị thông minh nhưng văn minh hay không lại là chuyện khác. Để cho những kẻ lừa đảo, “chặt chém”, cưỡng đoạt tiền của du khách là không văn minh. Phải xử người đạp xích lô cưỡng đoạt du khách người Nhật nêu trên thật thích đáng, đồng thời phải có biện pháp ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, cưỡng đoạt du khách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn