MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Tân Nghĩa bị sập.

3 cây cầu, 3 bộ mặt

ANH ĐÀO LDO | 05/06/2019 07:00

Cây cầu Kênh Tẻ, TPHCM dài vẻn vẹn 763m đang được dân “cười mếu” gọi là “cây cầu dài nhất thành phố” khi hàng ngày “nhúc nhích” cả tiếng đồng hồ, thậm chí “đi hoài không qua nổi”.

3 cây cầu đang là tâm điểm chú ý của dư luận theo những cách thật sự là kỳ dị. Cầu BOT Tân Nghĩa, Đồng Tháp sập đổ xuống sông do một chiếc xe quá tải. Cầu Lợi Nông, TP.Huế, trị giá 32 tỉ đồng, dù xây xong từ lâu nhưng không có đường dẫn hai đầu khiến cả cây cầu như lọt thỏm giữa sông, không phương tiện nào qua lại được.

Và cầu Kênh Tẻ, TPHCM, dài chỉ 763m, nhưng nó ùn tắc đến mức để đi qua đó người dân mất cả tiếng đồng hồ.

3 cây cầu, giống như 3 bộ mặt của hạ tầng giao thông.

Sự ùn tắc của cầu Kênh Tẻ, do quá tải về người và mật độ phương tiện, cho chúng ta thấy sự khập khiễng giữa quy hoạch giao thông và quy hoạch dân cư. Một sự khập khiễng có thể nhìn thấy, cảm nhận được với cảnh cây cầu 15m chiều ngang chẹn một tuyến đường mà Tuổi trẻ miêu tả là “Các khu chung cư cao vút, khổng lồ mọc lên chi chít hai bên đường... Hàng chục nhà đầu tư, hàng chục dự án, mỗi khu dân cư, cao ốc là hàng ngàn căn hộ. Kèm theo dĩ nhiên là hàng chục ngàn ôtô, hàng trăm ngàn xe máy...”. Với “Người - xe tăng gấp bội nhưng đường vẫn thế, cầu vẫn nguyên”.

Cầu Tân Nghĩa lại quá tải theo một cách thô thiển hơn: Chiếc xe tải trọng 12,5 tấn, chở 10 tấn khoai mì đè lên cây cầu trọng tải 8 tấn. Đây là cây cầu xây dựng theo hình thức BOT chỉ vừa hết hạn thu phí tháng 2 vừa rồi. Chiếc xe quá tải là nguyên nhân trực tiếp, cái sai thuộc về tài xế, nhưng cũng không thể không hoài nghi về chất lượng cây cầu bởi nhiều chuyên gia giao thông đặt vấn đề rằng: “Một cây cầu cho phép tải trọng 8 tấn thì không có nghĩa phương tiện vượt quá trọng tải đi qua sẽ khiến cầu sập ngay khi “Giới hạn trọng tải được tính dựa trên nhiều tham số khác, trong đó có “tuổi thọ mỏi” của công trình. Ví dụ cây cầu giới hạn 10 tấn sẽ sử dụng được 100 năm. Vẫn cây cầu đấy nếu giới hạn 20 tấn chỉ sử dụng được 40 năm.

Còn chuyện cây cầu Lợi Nông xây xong mà không có đường dẫn thì đúng là một đỉnh cao của khập khiễng.

Có thể, Lợi Nghĩa sẽ được lắp dầm mới, Kênh Tẻ sẽ được cơi nới, Lợi Nông sẽ có vốn, nhưng nó sẽ chẳng giải quyết được điều gì khi vẫn chỉ là chắp vá, tình thế, khi không nhìn thấy từ đó nguyên nhân chính là sự thiếu đồng bộ, thiếu dự báo, thiếu quy hoạch và thiếu cả những người chịu trách nhiệm chính cho những gì xảy ra hôm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn