MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

300.000 thí sinh không vào đại học: Khi nghèo khó bủa vây

Đào Tuấn LDO | 09/09/2022 11:03

Một cuộc khảo sát mini 40 trong 300.000 trường hợp “không xét tuyển đại học” cho thấy: Một số nhập ngũ, một số chuyển sang học nghề. Và nhiều nhất rơi vào hoàn cảnh “không có khả năng học đại học”, phải đi làm để kiếm sống.

Thân Thị Bình, học sinh lớp 12A4- Trường THPT Đồng Lộc ở Hà Tĩnh “buồn nhiều hơn vui” khi nhận kết quả thi tốt nghiệp.

Vui, vì số điểm rất cao: 27,25. Văn 9, Lịch sử 9,5, Địa lý 8,75.

Còn buồn ư: Bình, chị hai trong một gia đình 6 chị em. 8 con người trông vào 3 sào ruộng. Bố, kiêm thêm nghề lên rừng chặt gỗ đốt than. Mẹ, ung thư tuyến giáp, hàng ngày đi lượm ve chai - theo báo Hà Tĩnh.

Nỗi buồn của Bình, của gia đình chỉ đơn giản là câu chuyện tiền đâu...

Đã có hơn 300.000 thí sinh không đăng ký vào đại học, theo số liệu của Bộ Giáo dục.

Chúng ta đọc được rất nhiều các số liệu phân tích, các nguyên nhân trong con số, dù chiếm tới 1/3 tổng số- nhưng được cho là “bình thường” ấy. Chỉ có một điều dường như không ai muốn nói đến: Cái nghèo của những gia đình không có khả năng cho con em đi học... như Bình.

Báo Thanh Niên kể lại một cuộc khảo sát do thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng trường THPT Trương Định (Tiền Giang) thực hiện bằng cách liên lạc trực tiếp với từng học sinh để trả lời câu hỏi “Vì sao”.

Trong 40 em không đăng ký học đại học, có 4 nhập ngũ, số ít học nghề. Và “Nhiều nhất rơi vào nhóm không có khả năng đi học đại học, chuyển qua giai đoạn đi làm kiếm sống”.

Và thầy Hải “đúc kết” rằng: Xu hướng học phí tăng cao ở bậc đại học... khiến các gia đình khó khăn phải so sánh, cân nhắc giữa việc đầu tư số tiền lớn vào đại học với việc đi làm kiếm tiền ngay. Đặc biệt là sau 2 năm dịch, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.

Thật ra trên lý thuyết thì những học trò nghèo như Bình, như “phần lớn” học trò thầy Hải ở Tiền Giang có thể vay tín dụng từ ngân hàng chính sách.

Nói “lý thuyết” là vì có quy định, chứ không phải là không!

Nhưng nói “lý thuyết” còn là bởi món vay này vừa ít, vừa không dễ, vừa chẳng rẻ.

Một học sinh nghèo, sau khi trải qua đủ thứ thủ tục, chỉ có thể vay cao nhất 2,5 triệu đồng/tháng... Tức là còn chưa đủ để đóng học phí ở những trường học phí cao.

Còn mức lãi suất, 2021 chẳng hạn - là 6,6%, trong khi cho vay nhà ở chỉ từ 3-4,8%/năm, thậm chí cho vay trồng rừng chỉ 1,2%/năm.

Đây là nguyên nhân khiến dư nợ cho vay học sinh sinh viên, chẳng hạn ở TP HCM, chỉ chiếm 4,5% dư nợ tại ngân hàng chính sách.

“Phần nhiều” trong 40 trường hợp trong một trường học ở Tiền Giang cũng có nghĩa là “phần nhiều” trong 300.000 trường hợp kia không? Chúng ta không biết, vì có khi chúng ta không định, không muốn biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn