MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh và học sinh ngồi vạ vật trước Trường THPT Hoàn Cầu (Hà Nội) để chờ nộp hồ sơ. Ảnh: Lao Động

33 nghìn học sinh rớt lớp 10 trường công và “Hà Nội là một điển hình”

Hoàng Văn Minh LDO | 06/07/2023 15:42

33 nghìn học sinh ở Hà Nội rớt lớp 10 vào trường công lập và hình ảnh những phụ huynh trắng đêm chen nhau để giành cho con một suất vào trường tư là những con số, hình ảnh báo động về vấn đề đầu tư cho giáo dục.

Phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm để tranh suất vào lớp 10 ở các trường tư như đang diễn ra, hoặc vào lớp 1 như trước đó là chuyện đến hẹn lại lên, không phải lần đầu ở Hà Nội.

Tuy nhiên, theo thừa nhận của ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, “năm nay, tình trạng này diễn ra ở nhiều trường hơn”.

Phụ huynh phải lo lắng, đi xếp hàng nửa đêm để giữ chỗ là bởi trường tư tốt thì có hạn, trong khi nhu cầu lại lớn đến choáng váng khi Hà Nội năm nay có đến 30 nghìn học sinh rớt lớp 10 vào các trường công lập. Dẫn đến việc có những trường tư nhu cầu đến cả nghìn hồ sơ trong khi chỉ tiêu lại có hạn, khoảng vài trăm.

Số lượng học sinh Hà Nội đăng ký thi vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023-2024 gần 105.000 em. Trong khi, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000 em cùng chỉ tiêu của một số trường chuyên. Điều này cho thấy, Hà Nội đã và đang thiếu trường công lập nghiêm trọng như thế nào.

Vấn đề này cũng được nêu ra trong buổi tiếp xúc cử tri tại các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng ngày 1.7 mới đây. Và Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nói rằng, ý kiến cử tri nêu "rất đúng", “Hà Nội là một điển hình”.

Thiếu trường thiếu lớp (trường công) không phải là chuyện riêng của Hà Nội mà là thực trạng chung của cả nước, đặc biệt là ở các đô thị lớn, có tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh.

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng cơ bản là chuyện đầu tư cho giáo dục vẫn chưa tương xứng. Như trong năm 2022, đầu tư cho giáo dục mới chỉ chiếm 15,45% tổng ngân sách - vẫn chưa đạt được mức tối thiểu 20% theo như Nghị quyết số 37/2004/ NQ-QH11, được ban hành từ gần 20 năm trước.

Hay trong Luật Xây dựng, rồi Quy chuẩn về xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành, đã có quy định rất chi tiết về việc một khu đô thị hay dân cư mới, trên bao nhiêu nghìn dân thì bắt buộc phải có hệ thống trường học từ mầm non cho đến THPT, rồi bệnh viện, thậm chí cả bệnh viện đa khoa… mới được cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên trong thực tế, cứ nhìn vào các khu đô thị mới trên cả nước sẽ thấy, các quy định vừa kể gần như không được các địa phương tuân thủ khi cấp phép. Hoặc có tuân thủ nhưng lại thiếu giám sát nên dẫn đến tuân thủ cho có.

Ngay ở Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho hay, nhiều dự án xây dựng khu đô thị 10-15 năm, dân cư ở ổn định rồi nhưng các cơ sở về công trình xã hội, đặc biệt là trường học được đầu tư rất chậm...

Thiếu trường thiếu lớp, bây giờ không còn là chuyện riêng của riêng ngành Giáo dục mà là trách nhiệm liên ngành và cả các địa phương. Và vẫn cứ đà này, tới đây, ngoài Hà Nội, sẽ không có gì lạ nếu chúng ta còn nghe thêm những tổng kết kiểu “TP.Hồ Chí Minh là một điển hình” hay “Đà Nẵng là một điển hình” về thiếu trường thiếu lớp!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn