MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có thể sau tấm áo shipper này là một cử nhân, một bác sĩ, một thạc sĩ. Ảnh minh hoạ: Thế Lâm

36,7% lao động trình độ cao đang làm shipper

Đào Tuấn LDO | 10/11/2022 11:33

“Năm 2018, tôi nghỉ việc ở bệnh viện để chạy xe ôm. Đỉnh dịch COVID-19, tôi về lại trạm y tế chống dịch, tổng thu nhập mỗi tháng là 4.135.000 đồng. Cố gắng được gần 1 năm, tôi lại nghỉ, về chạy grab”.

Đó là câu chuyện của Thanh, một điều dưỡng 38 tuổi ở TPHCM.

Nó đơn giản lắm: Chỉ là chuyện miếng cơm. Thanh từng làm điều dưỡng nhiều năm ở một bệnh viện đa khoa với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Vì mức lương “không sống nổi” đó, năm 2018, anh bỏ nghề, đi chạy grab.

Dịch COVID-19 ập đến. Anh Thanh trở lại làm việc tại Trạm Y tế phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM. Lý do: Lúc bấy giờ, người chết vì COVID-19 lên đến cả trăm ca mỗi ngày, nguy hiểm vô cùng. Và Thanh muốn “chung tay cùng thành phố”.

Nhưng hết dịch, công việc “tối mắt tối mũi”, trong khi lương tháng 4.135.000 đồng “giữa đất Sài Gòn”, giá cả chóng mặt. Thanh còn vợ, còn con nhỏ 8 tuổi. Vậy là anh lần thứ 2 bỏ nghề, để “đi chạy grab”.

Thanh là một trong 36,7% lao động trình độ cao đang làm shipper, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Dân số, Lao động - việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thanh, cũng như các đồng nghiệp mới của anh, đang phải đối mặt với tình trạng “6 không”: Không có hợp đồng lao động; Không được hỗ trợ tiền ăn; Không chế độ nghỉ phép; Không khám sức khỏe định kỳ; Không bảo hộ lao động; Không thưởng lễ Tết.

Nhưng Thanh sẵn sàng đánh đổi. Bởi nhờ số tiền bình quân 400.000 đồng/ngày, anh có thể nuôi vợ, nuôi con. Điều mà nếu sống với đúng nghề được đào tạo, Thanh không thể thực hiện được.

Miếng ăn không thể hoãn được. Còn những cái khác thì từ từ rồi tính.

400.000 đồng/ngày, và 4,1 triệu, hoặc 5 triệu đồng/tháng là một khoảng cách rất lớn, một bài toán rất khó mà khu vực công chưa giải nổi.

Phải chăng tỉ lệ % lao động trình độ cao trong những nghề như shipper càng lớn càng cho thấy những bất cập về tiền lương, thu nhập, đãi ngộ?!

Trong kết quả khảo sát nói trên, có một chi tiết đáng chú ý là có tới 82,2% lao động coi đây là việc làm chính của họ và 94,1% không hoặc chưa có dự định chuyển việc trong khoảng 2-5 năm tới.

Shipper, giúp việc gia đình, rửa bát quán phở, cò đất, tiếp thị, bán hàng online… đó có thể là một cách kiếm tiền, trong những thời điểm khó khăn mang tính nhất thời. Nhưng nếu đối với những người 12 năm phổ thông, 4 năm đại học... nó trở thành công việc chính, thành một nghề hoàn toàn không giống những gì được đào tạo thì phải chăng đó là sự lãng phí, rất lãng phí chất xám?!

Thanh, trên Vietnamnet - nói rằng anh vẫn nhớ nghề y, nhưng chắc chắn sẽ không quay lại trạm y tế!

Hình như đó là một vấn đề xã hội chứ không thuần tuý là câu chuyện của riêng một cá nhân nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn