MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ cháy ở đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội) khiến 4 người thiệt mạng hôm 4.4. Ảnh Tùng Giang.

4 ngày, 10 người thiệt mạng vì cháy: Tại ai và tại sao?

Linh Anh LDO | 04/04/2021 15:53
Chỉ trong vòng có vài ngày, xảy ra hai vụ cháy nhà thương tâm khiến 10 người thiệt mạng. Vấn đề phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư chưa khi nào hết nóng.

Rạng sáng ngày 30.3, một vụ cháy thương tâm xảy ra ở phường Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Khi lực lượng chức năng đến nơi, phát hiện 6 người trong gia đình tử vong, một người bị thương.

Rạng sáng ngày 4.4, 4 người tử vong trong vụ hoả hạn trên phố Tôn Đức Thắng quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Điểm chung của hai vụ cháy này là: Đều diễn ra lúc rạng sáng, các nạn nhân đều tử vong vì ngạt, không có thiết bị báo cháy, không có lối thoát hiểm khi xảy ra sự cố.

Hai vụ trên, không phải không có những liên hệ tới vụ hoả hoạn vào đúng tháng 4, cách đây 2 năm: Vụ cháy nhà xưởng ở ngõ 1, phố Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội khiến 8 người thiệt mạng.

Cũng chính ở phố này, hồi tháng 2.2021, ngõ 2 phố Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cơ quan chức năng đã phải giải cứu 1 người khỏi đám cháy nhà 5 tầng trong đêm.

Những ngôi nhà xây dạng ống, không có cửa thoát hiểm, không có hệ thống báo cháy nhan nhản ở khắp mọi nơi.

Đáng nói, các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy thì nhiều với 2 Luật (năm 2011 và bổ sung sửa đổi năm 2013), 9 Nghị định, 24 Thông tư, 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về phòng cháy chữa cháy.

Thế nhưng, quy chuẩn về nhà riêng lẻ thì lại thiếu hoặc chung chung. Ngay trong Luật Phòng cháy chữa cháy cũng chỉ ghi đơn giản: “Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy”.

Một nghịch lý hiện nay là không có quy định nào yêu cầu về an toàn cháy nổ khi cấp phép xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở riêng lẻ. Các đơn vị cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chỉ quản lý những tiêu chuẩn chung, còn những chi tiết trong nhà hoàn toàn do chủ nhà tự quyết định.

Nhà ống thì thế nào? Nhà ở kết hợp với buôn bán, kinh doanh dịch vụ thì sao? Ai giám sát kiểm tra việc phòng cháy chữa cháy ở từng hộ gia đình? Quy định về mạng lưới điện trong nhà để tránh chập điện gây cháy nổ ra sao?... Đó là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Năm 2020, toàn quốc có 5.354 vụ cháy làm chết 75 người, bị thương 144 người, thiệt hại tài sản 932,023 tỉ đồng.

Đó là những con số đau lòng. Với cháy nổ thì “phòng” quan trọng hơn “chống”. Hai vụ cháy với số nạn nhân thiệt mạng lên tới 10 người chỉ trong vòng 4 ngày đã đủ để người dân quan tâm hơn, đã đủ để có thêm những quy định về phòng cháy chữa cháy ở nhà đơn lẻ.

Đừng để quy định quá nhiều nhưng người dân không áp dụng.

Đừng để một phút lơ là, cái giá phải trả quá cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn