MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi bộ sách giáo khoa cần chi phí biên soạn, tập huấn cho giáo viên... lên đến khoảng 400 tỉ đồng Ảnh: LĐO

400 tỉ đồng/bộ sách giáo khoa và câu chuyện kiên định xã hội hóa

Lê Thanh Phong LDO | 07/11/2022 16:35
Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa không chỉ là chống độc quyền, mà còn mang lại lợi ích rất lớn - đó là giảm bớt gánh nặng đầu tư công.

"Tính riêng về biên soạn sách giáo khoa ước tính cần đến hơn 300 tỉ đồng, chưa tính các chi phí tập huấn, giáo viên, chi phí khác khoảng 400 tỉ đồng/bộ, nếu có khoảng 3 bộ thì đã rơi vào hơn 1.000 tỉ đồng", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã đưa ra con số này tại tọa đàm trực tuyến "Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hoá giáo dục".

Đầu tư 300- 400 tỉ đồng cho biên soạn một bộ sách giáo khoa. Tại sao không xã hội hóa để phá thế độc quyền và giảm gánh nặng này cho Nhà nước? Ngành giáo dục đưa chương trình khung, tư nhân biên soạn sách, ai cũng phải lo tăng tính cạnh tranh bằng chất lượng và giá cả, thị trường sẽ quyết định.

"Giải tán" bớt các chi tiêu cho hoạt động biên soạn sách, cũng tiết kiệm được một khoản lớn để cải cách tiền lương cho giáo viên.

Bao nhiêu năm qua, biên soạn sách giáo khoa là độc quyền, xuất bản cũng độc quyền. Xã hội hóa lĩnh vực này quá khó khăn, vì vẫn còn nhiều ý kiến muốn bám cái cũ, nhất là những nhóm lợi ích có liên quan.

Rất đồng ý với quan điểm của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, đó là lần đầu thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa sẽ không thể tránh bất cập, cũng như không tránh khỏi còn sạn trong sách. Vấn đề là lắng nghe, tiếp thu, có giải pháp, để cuối cùng là hướng tới học sinh, hướng tới chất lượng giáo dục.

Sách giáo khoa được độc quyền biên soạn bao nhiêu năm, cũng vẫn có sạn, thì một bộ sách mới công bố cũng cần có những sai sót, cần thời gian để điều chỉnh. Sau vài năm, chắc chắn sẽ ổn định hơn, chất lượng các bộ sách sẽ cao hơn.

Một điều mà dư luận quan tâm là giá sách, xã hội hóa thì có thể bị đẩy giá sách lên cao, ảnh hưởng tới bộ phận người nghèo. Sự lo ngại này là đúng, nhưng đừng quên rằng, khi phá thế độc quyền, nhiều chủ thể tham gia, thì tự thị trường kiểm soát giá cả.

Nếu như, đã xã hội hóa mà Nhà nước can thiệp vào chuyện giá cả của sản phẩm mà không có căn cứ pháp luật thì không còn là "cơ chế thị trường" nữa.

Chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu ý kiến, cần kiên định chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Và, cần nghiên cứu kỹ việc Nhà nước định giá sách giáo khoa để có giải pháp hài hòa, phù hợp, không ảnh hưởng đến việc xã hội hóa, chống độc quyền trong lĩnh vực này.

Muốn xã hội hóa, muốn chống độc quyền biên soạn sách giáo khoa thì phải tôn trọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và quy luật của thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn