MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách du lịch mua hàng lưu niệm tại Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh).

5 câu hỏi của Thủ tướng

ĐÀO TUẤN LDO | 19/02/2019 08:00
“Làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn; du khách ở lại lâu hơn; tiêu tiền nhiều hơn; làm thế nào để du khách kể những câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè về Việt Nam sau chuyến đi, thay vì chê bai và cuối cùng là làm thế nào để du khách quay trở lại Việt Nam”.

Đây là 5 câu hỏi, cũng là 5 đề bài mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra trong một hội nghị của ngành du lịch.

15,5 triệu du khách đã tới Việt Nam trong năm 2018, một kỷ lục thực sự. Và biết bao nhiêu trong số đó đã có những kỷ niệm đẹp đẽ về đất nước và con người Việt Nam mà câu chuyện “cô Tây đăng Facebook cảm ơn những người xe ôm nhặt hộ chìa khóa rớt dưới cống” là ví dụ chính người Việt chúng ta cũng thấy cảm động, thích thú.

Nhưng cũng là những con số: Chỉ 10% khách du lịch quay lại Việt Nam (thống kê hồi cuối năm 2017).

Một tỉ lệ đúng là quá tệ hại. Và có lẽ, chúng ta nên nhìn vào tỉ lệ xấu xí ấy, hơn là những thống kê mang tính chất thành tích nếu thực sự muốn du lịch Việt Nam phát triển.

Hôm 16.2, chính Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra những “vấn nạn” của du lịch. Đó là tình trạng “chặt chém”, là vấn nạn taxi dù chèo kéo, là hàng rong, là thiếu an ninh, lừa đảo... Và dẫu đó chỉ là những hiện tượng mang tính chất cá biệt, nhưng những cá biệt ấy làm nên 3,75 triệu thông tin về chặt chém - công bố của Thủ tướng, chính những cá biệt ấy khiến 80-90% du khách “một đi không trở lại”. Và sự ảnh hưởng của nó không chỉ làm xấu hình ảnh con người, đất nước Việt Nam trong mắt du khách, không những kéo lùi sự phát triển du lịch mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Làm thế nào để du khách đến đông hơn, ở lại lâu hơn, tiêu nhiều tiền hơn, kể lại những câu chuyện thú vị hơn, quay lại Việt Nam nhiều hơn? Những câu hỏi không dễ nhưng không quá khó để trả lời.

Cũng thời sự là chuyện Khánh Hòa vừa quyết định xử lý vụ “chặt chém đĩa mồng tơi 250.000” với hình thức phạt tiền. Và mức phạt là 750.000 vì lỗi “không có trong menu, không niêm yết giá bán”.

Liệu những hình thức và mức độ xử phạt như thế có dẹp được nạn chặt chém khiến du khách “khiếp sợ” dẹp được thực tế “Gõ từ khóa chặt chém du khách có tới 3,75 triệu tin bài liên quan”?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn