MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổ chức Công đoàn Đà Nẵng đại diện người lao động khởi kiện chủ doanh nghiệp Dệt Hòa Khánh ra tòa và đã thắng kiện. Ảnh: Mai Hương

62 người lao động thắng kiện doanh nghiệp và những bài học

Hoàng Văn Minh LDO | 01/09/2024 15:00

Việc 62 người lao động ở Đà Nẵng thắng kiện doanh nghiệp, đòi lại 1,9 tỉ đồng tiền nợ lương và trợ cấp thôi việc, mang đến nhiều bài học quý giá.

Như Báo Lao Động đã thông tin, vụ 62 người lao động của Công ty Cổ phần Dệt may Đà Nẵng ủy quyền cho Công đoàn Đà Nẵng khởi kiện chủ doanh nghiệp ra tòa để đòi tiền nợ lương và trợ cấp thôi việc đã kết thúc sau 5 ngày xét xử, với phần thắng thuộc về tổ chức Công đoàn.

Hội đồng xét xử TAND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã ra bản án, buộc Công ty Cổ phần Dệt Hòa Khánh phải chi trả toàn bộ các khoản nợ lương và trợ cấp thôi việc cho 62 người lao động, tổng số tiền lên tới 1,9 tỉ đồng.

Mặc dù vụ việc vẫn còn thêm giai đoạn thi hành án, nhưng đến thời điểm này, đây là một thắng lợi lớn, đồng thời là sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực của các cấp Công đoàn Đà Nẵng và sự kiên trì của người lao động trong suốt gần 2 năm theo đuổi vụ kiện.

Thắng lợi này, cùng với nhiều vụ kiện tương tự trước đó của tổ chức Công đoàn Đà Nẵng, để lại những bài học giá trị về việc giải quyết tranh chấp lao động.

Trước hết là bài học về niềm tin. Người lao động cần phải có niềm tin vào tổ chức mà họ ủy quyền khởi kiện - đó là Công đoàn. Đồng thời, tổ chức Công đoàn cũng phải có niềm tin vững chắc rằng mình đủ khả năng đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trước tòa án.

Bài học thứ hai, cả người lao động, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp cần coi việc “gặp nhau tại tòa” để giải quyết tranh chấp khi không thể đối thoại, thương lượng được là một bước đi bình thường, mang tính văn minh.

Thực tế cho thấy, dù quyền lợi bị xâm phạm nghiêm trọng, nhưng nhiều người lao động vẫn cảm thấy sợ, chưa có thói quen khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Trong khi đó, tổ chức Công đoàn ở nhiều nơi vẫn chưa hình thành thói quen và kỹ năng trong việc khởi kiện.

Cuối cùng, câu chuyện nợ lương, bảo hiểm, và các chế độ của người lao động như trường hợp của Công ty Cổ phần Dệt Hòa Khánh là một thực trạng chung, nóng bỏng ở nhiều địa phương trên cả nước.

Đến nay, người lao động, tổ chức Công đoàn, và chính quyền địa phương đã có trong tay nhiều công cụ để giải quyết vấn đề này như: nhắc nhở, công khai danh tính trên phương tiện truyền thông, khởi kiện ra tòa, và xử lý hình sự.

Tuy nhiên, việc đưa nhau ra tòa hay xử lý hình sự chỉ là phương án cuối cùng khi không còn lựa chọn nào khác. Phương án tối ưu và hiệu quả nhất vẫn là Công đoàn hỗ trợ người lao động giải quyết thông qua đối thoại và thương lượng tập thể.

Không phải ra tòa tranh cãi nhưng vẫn đòi được nợ, đôi bên đều cảm thấy hài lòng - đó là bước đi văn minh và hiệu quả mà tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp hướng tới!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn