MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá cam tại thị trường TP HCM xuống chỉ còn 8.000 đồng/kg. Mỗi công cam nông dân đầu tư 100 triệu đang lỗ 80 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Lê

80.000 tấn cam ế, “không nên dùng từ giải cứu” thì biết làm gì!

Đào Tuấn LDO | 17/02/2023 16:07

Giá cam sành bán ở TP HCM chỉ 8.000- 10.000 đồng/kg. Còn tại vườn, chỉ 2.000 đồng/kg. Riêng một tỉnh Vĩnh Long, có tới 80.000 tấn cam cần… ba chấm!

Trần Văn Tường, một nông dân 36 tuổi ngụ tại xã Thới Hoà, Trà Ôn, Vĩnh Long tính toán: Mỗi công vườn trồng cam, phải bỏ chi phí chừng 100 triệu đồng, từ khâu lên luống, cây giống, phân bón, chăm sóc, thu hoạch…

Và giờ đây, khi giá cam chỉ còn 2.000 đồng/kg, mỗi công tính ra lỗ đến 80 triệu đồng.

Trong khi giá cam xuống đến “đáy của đáy” thì vật tư nông nghiệp vẫn cực cao. Mỗi bao phân bón chẳng hạn, giá lên tới 1,3 triệu đồng. Tính ra, 1 tấn cam mua chỉ được hơn 1 bao phân.

Tại thị trường TP HCM, cam được bày bán la liệt khắp các vỉa hè. Và kể cả là “cam sành xổ rẻ" hay “cam sành siêu ngon, siêu ngọt” thì giá cũng chỉ 8.000- 10.000 đồng/kg.

Trên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Riêng một huyện Trà Ôn đang tồn đọng tới 60.000 tấn. Tính chung, đến thời điểm hiện tại, còn tới 80.000 tấn cam cần được tiêu thụ.

Nguyên nhân, theo ông Liêm, cam sành giảm giá chạm đáy chưa từng có là do quy luật cung cầu của thị trường, tức cung đã vượt cầu.

Câu chuyện trái cam hôm nay, đã từng xảy ra với mít, dưa hấu, tỏi, thanh long, dừa và cả tôm hùm, thật ra chỉ là sự lặp đi lặp lại bi kịch của nông sản Việt. Được mùa rớt giá. Rớt đến mức lỗ thảm.

Và “lỗi”, nếu có, là từ việc chênh lệch cung cầu. Là vấn đề “đầu ra” của cây trái.

Trở lại với ba chấm (…) đầu bài với 80.000 tấn cam của riêng Vĩnh Long.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan năm ngoái từng đề nghị không dùng từ “giải cứu nông sản” nữa.

Bởi theo ông, chính từ “giải cứu nông sản" đã "sinh ra rất nhiều chuyện lôi thôi", làm giảm sút đi giá trị kinh tế cũng như thương tổn về mặt tâm lý, tinh thần cho người nông dân. Giải cứu khiến “nông dân ngay lập tức bị ép giá khiến việc tiêu thụ rất khó khăn”. “Giải cứu” khiến nông sản giảm giá, mất đi giá trị, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý số đông nông dân, gây chán nản, bỏ luôn ruộng đồng, không chăm sóc khiến nông sản không đạt chất lượng.

Thế bây giờ, với chỉ một Vĩnh Long, khi diện tích cam sành tăng đột biến (khoảng 17.000 ha), 80.000 tấn cam “ế”, giá thì đã xuống đáy 2.000 đồng/kg, trong khi việc tiêu thụ cam chỉ là bán trái tươi, làm nước giải khát (nước ép cam) cho các chợ ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng…và mỗi công cam lỗ đến 80 triệu đồng...

Nếu không được “giải cứu’ kịp thời thì người nông dân biết làm gì?

Mà cam thì có dùng trả lãi ngân hàng hay ăn trừ bữa được đâu!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn