MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội 8 triệu dân mà chỉ có 200 vườn hoa, sân chơi, vì thế việc xây Cung thiếu nhi mới chỉ thật sự có ý nghĩa nếu vẫn giữ Cung thiếu nhi cũ, chứ không phải chồng lên ở đó những chung cư chọc trời (Ảnh: Trần Vương)

8.100m2 đất vàng Cung Thiếu nhi sẽ làm gì? Giao cho ai?

Anh Đào LDO | 16/03/2021 18:14

Cung Thiếu nhi mới (khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), 1.300 tỉ đồng đã vừa chính thức động thổ. Ngay lập tức, dư luận đặt câu hỏi: 8.100m2 đất vàng Cung Thiếu nhi cũ, cách Hồ Gươm... 100m sẽ được làm gì? Giao cho ai?

Cung mới nằm ở khu đô thị mới Cầu Giấy, với nhà hát, rạp chiếu phim 3D-4D, nhà thi đấu, bể bơi, rồi nhà học, thư viện, tháp thiên văn... rất quy mô và hoành tráng.

Một trong những lý do xây mới là vì Cung Thiếu nhi cũ trên phố Lý Thái Tổ được xây dựng từ năm 1973 đã... xuống cấp.

Thật ra việc xây một Cung Thiếu nhi mới không phải cần thiết mà còn là rất cần thiết. Đơn giản, trẻ em Cầu Giấy, Nam Từ Liêm không thể lên hồ Gươm vui chơi hàng ngày. Và giờ, ngược lại.

Đơn giản, là vì các khu vui chơi, sân chơi cho trẻ em đang quá thiếu thốn.

Một thành phố 8 triệu dân mà chỉ có 200 vườn hoa, sân chơi. 4 quận nội đô chỉ có 30 điểm vườn hoa, khu vui chơi (tương đương 2,08m2/người). Có những quận như Thanh Xuân, mật độ khủng khiếp 32.140 người/km2 nhưng cả 11 phường, 100% số tổ dân phố không có khu thể thao nơi vui chơi trẻ em nào.

Một Cung mới là chưa đủ, khi trẻ em khắp thành phố đang thiếu chỗ vui chơi cũng đang đặt lại vấn đề: Thế còn cái cung thiếu nhi cũ?

Năm 2018, dư luận từng xôn xao khi Thành phố có chủ trương thu hồi lại biệt thự 1.200m2 trong Cung Thiếu nhi để “giao về cho UBND TP quản lý, sử dụng”.

Phản ứng, dữ dội đến mức hàng trăm giáo viên, phụ huynh đã ký đơn kiến nghị yêu cầu TP không thu hồi toà nhà kiến trúc Pháp có ý nghĩa như “lâu đài tuổi thơ” của các cháu, không thu hẹp diện tích Cung.

Thành đoàn Hà Nội sau đó trả lời dư luận rằng họ được giao thực hiện quy trình gắn biển di tích cách mạng cho công trình chứ không có việc thu hẹp hay chuyển đổi mục đích sử dụng Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Cho nên, không phải không có lý khi hôm qua dư luận lập tức đặt câu hỏi TP sẽ định làm gì với Cung Thiếu nhi cũ, một mảnh đất vàng đến 8.100m2, ngay bên bờ Hồ?

Phó Chủ tịch TP Chử Xuân Dũng trả lời trên một tờ báo: Thành phố chưa có kế hoạch cụ thể với Cung Thiếu nhi cũ.

Nghĩ là lạ! Cung Thiếu nhi thì vẫn là Cung Thiếu nhi chứ sao lại chưa có kế hoạch?

Chưa, có nghĩa là sẽ có một kế hoạch khác?

Hồi đầu năm, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ từng khẳng định: Ngay trong năm 2021, thành phố sẽ phải tạo ra được những chuyển biến mà người dân nhìn thấy được. Mà một trong những việc phải làm được ngay là xây dựng thêm những công viên cây xanh, kể cả công viên "mini".

Xây dựng Cung Thiếu nhi mới, Thành phố đang hiện thực hoá ước mơ “chỗ vui chơi” của trẻ em. Nhưng điều đó chỉ thật sự đúng, thật sự có ý nghĩa nếu “đất vàng” Cung Thiếu nhi cũ được cải tạo, sửa chữa, để vẫn là một Cung Thiếu nhi chứ không phải đề chồng lên ngay bên hồ những công trình xây dựng đồ sộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn