MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội liệu có thể chống ùn tắc bằng cách đặt thêm 87 nút cổ chai trong cái gọi là trạm thu phí? Ảnh: Thế Kỷ

87 trạm phí: Mạng nhện, thiên la địa võng hay cả hai luôn?

Đào Tuấn LDO | 28/10/2021 11:39

Kể cả là trong tương lai thì việc lập tới 87 trạm thu phí phương tiện vào nội thành Hà Nội chẳng khác gì chăng một mạng nhện khổng lồ, một thiên la địa võng.

Báo chí, phản ứng ngay lập tức. Dân, phản ứng ngay lập tức khi con số 87 trạm thu phí ra vào nội đô xuất hiện trên báo. Phản ứng ngay cả khi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) HN lập tức thanh minh đề án chưa hoàn thiện nên chưa trình thành phố.

Phản ứng là phải thôi. Bởi bữa trước, chúng ta nói chuyện hạn chế, để tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030. Giờ, chúng ta lại lo ngại lượng ôtô lớn quá, nhiều quá. Và đề án thu phí được đưa ra để giảm lượng ôtô vào khu vực trung tâm.

Sự thật đúng là lượng phương tiện cá nhân ở Thủ đô đang tăng lên rất nhanh chóng. Theo Sở GTVT, hiện phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội đã tăng lên 6,4 triệu phương tiện, trong đó ôtô là 0,6 triệu xe, xe máy là 5,6 triệu xe.

Nhưng đề án, với mục tiêu giảm ùn tắc liệu có thể được thực hiện bằng cách tạo ra các điểm ùn tắc từ 87 cái trạm này.

Có hai hình thức để hạn chế phương tiện ra vào nội đô: Một, như cách chúng ta đang tư duy: Lập trạm, thu phí. Và “một khác” là phát triển phương tiện công cộng đủ thoải mái tiện lợi để “người dân không có lý do gì để dùng phương tiện cá nhân”.

Nhưng nhìn lại cái gọi là vận tải hành khách công cộng Thủ đô, phải nói là rất thê thảm.

Từ khi giải phóng Thủ đô năm 1954 đến nay đã gần 70 năm, Thủ đô đã có gì?

Metro: 0. Đường sắt trên cao: 0. Buýt nhanh BRT: Có cũng như 0. Có mỗi xe buýt, nhưng kết nối cũng coi như là 0.

Chúng ta không thể mang “nước ngoài” ra để chằn chặn áp dụng ở Thủ đô được đâu. Kể cả sau 5 năm, 10 năm nữa thì có một điều chắc chắn: Đường phố Hà Nội - ngắn, hẹp, bé - chắc chắn không thể tự đẻ, tự nở ra được.

Việc lập tới 87 cái trạm ở khắp nơi, rất dễ để hình dung: Sẽ là những cái nút cổ chai khi “ngắn, bé, hẹp” ấy sẽ bị bóp lại trong 1-2 làn để thu phí.

Vào những giờ cao điểm, nếu những tác giả của ý tưởng 87 trạm thu phí mà ra đường, chắc chắn nhìn thấy cảnh người dân Thủ đô đang di chuyển trên vỉa hè như là một làn đường không chính thức.

Muốn chấm dứt câu chuyện này, “lối thoát” duy nhất là phương tiện vận tải hành khách công cộng, đủ để “người dân không có lý do gì dùng phương tiện cá nhân” chứ không phải là sao chép cách lập trạm ở nước ngoài.

Với Thủ đô, nó chắc chắn là những nút cổ chai không tồn tại nổi đâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn