MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa đang thiếu gần 12.000 biên chế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ảnh: Quách Du

9.000 giáo viên bỏ nghề và 6.000 câu hỏi gửi tư lệnh ngành giáo dục

Hoàng Lâm LDO | 13/08/2023 15:09

Ngày 15.8 tới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lần đầu tiên đối thoại trực tiếp với giáo viên cả nước. Đây là một sự kiện quan trọng được trông chờ và lẽ ra, cần phải tổ chức sớm hơn, thường xuyên hơn.

Đã có hơn 6.000 câu hỏi, ý kiến từ đội ngũ giáo viên, giảng viên khắp cả nước gửi tới cuộc đối thoại. Con số ấy, tưởng là lớn nhưng thực chất lại chưa phản ánh hết tâm tư của các thầy cô giáo, những vấn đề của nền giáo dục hiện nay.

Hơn 2 năm trước, khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có tâm thư gửi các thầy cô. Bức tâm thư ấy từng được đánh giá là tâm huyết với những từ mang nặng ý nghĩa khích lệ tinh thần như “niềm tin”, “nguồn cảm hứng”, “cống hiến”, “phụng sự”, “kỳ vọng”.

Năm đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn viết: “Cả ở tầng nguyên lý lẫn thực tiễn, cuộc sống luôn công bằng, nếu chất lượng giáo dục dần nâng cao thêm, người học thấy hạnh phúc, thông tin tới xã hội đầy đủ, quản trị hiệu quả và với tinh thần cống hiến... niềm tin của xã hội với ngành và nghề của chúng ta chắc chắn sẽ tăng theo. Khi mỗi bài giảng, cuốn sách mà chúng ta soạn đều hướng tới học sinh, mỗi đổi mới chúng ta thực hiện đều vì những điều mà phụ huynh học sinh kỳ vọng và phụng sự cho sự phát triển của đất nước, thì không có lý do gì để chúng ta không có vị thế xứng đáng trong xã hội”.

Vướng mắc nhất vẫn là chữ “nếu”. Chất lượng giáo dục tăng lên chưa? Người học đã hạnh phúc chưa? Vị thế của người thầy giáo đã xứng đáng chưa?... Đây vẫn là những câu hỏi đang bỏ ngỏ.

Ở Nghệ An mới đây, nhiều giáo viên hợp đồng ở Quỳnh Lưu phản ánh về thu nhập thấp, chưa đến 5 triệu đồng/tháng và không thuộc danh sách được tăng lương từ 1.7 nên tạo sự chênh lệch về thu nhập, dù công sức lao động bỏ ra cũng như giáo viên biên chế.

Ở Hà Tĩnh là câu chuyện 3 thầy giáo, cùng ở huyện Kỳ Anh của Hà Tĩnh, đồng loạt viết đơn xin nghỉ việc với lý do “khám bệnh” nhưng lại sang tìm việc mới ở tận Hàn Quốc. Thực tế là họ không thể sống được bằng nguồn thu nhập từ nghề giáo.

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo, cả nước đang thiếu 118.253 giáo viên. Đáng lưu ý, năm học vừa qua có hơn 9.000 giáo viên nghỉ việc, lượng tuyển mới thấp.

Rất khó nói đến những “niềm tin”, “cảm hứng”, “cống hiến”, “phụng sự” như kỳ vọng của Bộ trưởng nếu đời sống giáo viên còn ở mức thấp so với mặt bằng xã hội.

Hai vấn đề lớn của giáo dục hiện nay lại ngoài tầm Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về lương, phụ cấp thì trông vào Bộ Tài chính, về biên chế lại trông vào Bộ Nội vụ. Còn ở mặt chuyên môn- địa hạt chính của Bộ GDĐT thì chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa còn gây tranh cãi, kỳ thi tốt nghiệp “2 trong 1” vẫn chỉ ở dạng thử nghiệm.

6.000 câu hỏi gửi đến nhưng quan trọng không phải là việc Bộ trưởng trả lời được bao nhiêu mà cuối cùng phải đưa ra được những giải pháp khả thi hay cơ sở để tham mưu ban hành những chính sách mới, phù hợp.

Thu nhập giáo viên tốt và môi trường giáo dục lành mạnh là cơ sở để nâng chất lượng giáo dục. Đó có lẽ là điều mong đợi nhất trong cuộc gặp đầu tiên với tư lệnh ngành giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn