MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong ảnh là 35 ấn phẩm khác nhau của "Thép đã tôi thế đấy" của Nikolai Ostrovsky, kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1954 đến bản năm 2012. Nguồn: Internet.

À, Paven không phải là một nhà luyện kim

Đào Tuấn LDO | 02/05/2015 07:00
“Sử thi Ê Đê”, 6 tập, vừa in xong liền ra thẳng hàng sách cũ. “Mdrong Dăm - văn bản tiếng Việt”, 3.000 trang, nặng 4,5kg, được đồng nát “mua vào” với giá 9 ngàn đồng. Đây chỉ là hai trong vô số các cuốn sách thuộc dự án Công bố phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ các dân tộc Việt Nam, đa số được in và phát hành vào quý 3/2014.
Có nghĩa là “thơm mùi mực in” liền ra ngay hàng sách cũ với lời than thở chân thành sách ế đến mức: “Trước đây tôi còn mua vào nhưng nay thì có chào mời đến mấy tôi cũng không nhập”.

4,5kg… giấy, giá 9.000 đồng - một cái giá quá đồng nát. Và hẳn nhiên, những người đóng thuế sẽ tủi thân khi biết dự án này tiêu tốn của họ những 240 tỉ đồng tiền thuế.

Không ai nói “Sử thi Ê Đê” không phải là một cuốn sách nên đọc, cũng như “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức”, như “Nhớ Che, đời tôi cùng Che Guevara Aleida” hay “Thép đã tôi thế đấy” - những cuốn sách trong danh mục 100 cuốn mà Thành đoàn TPHCM, vừa xong - khuyên thanh thiếu niên nên đọc.

Cũng không hẳn đúng ở lập luận những cuốn sách ít, thậm chí “chẳng ma nào đọc” thì không nên in. Bởi lấp lánh trong con số tệ hại “người Việt chỉ đọc trung bình 0,8 cuốn sách một năm” vẫn có niềm an ủi rằng, vẫn còn những người làm sách, vẫn còn những người mua sách, bên cạnh không ít những người quý sách, thèm sách, yêu sách và đọc sách.

Văn hóa đọc Việt Nam có trong nó sự tệ hại và cả vẻ đẹp ngay trong chuyện “sách in lậu”. Chẳng phải “kẻ trộm sách” vẫn có vẻ gì đó đẹp đẽ thậm chí là cao quý, nói bóng bẩy như Anatole là “Đừng bao giờ cho mượn sách, những cuốn sách duy nhất tôi có trong thư viện là những cuốn người khác cho tôi mượn”.

Nhưng, vẫn phải viết ra đây một chữ "nhưng" thật lớn.

Để có sự chủ động trong văn hóa đọc có lẽ cần bắt đầu từ sự tiếp nhận cái hay, cái đẹp của sách một cách thụ động - từ giáo dục.

Sẽ rất khó để chỉ nói suông với những đứa trẻ rằng đó là một cuốn sách hay, một cuốn sách cần đọc, trong bối cảnh sự cạnh tranh là có quá nhiều thứ hấp dẫn từ truyền hình, từ mạng xã hội.

Văn hóa đọc không thể có nếu không có việc in những cuốn sách. Tất nhiên, đó không phải là những cuốn sách in bằng tiền nhà nước để sau đó ra thẳng hàng đồng nát với giá giấy vụn.

Văn hóa đọc phải được bắt đầu từ giáo dục. Sự giáo dục ấy, chẳng cần hàn lâm đao to búa lớn gì mà có khi chỉ cần giản dị bằng một câu chuyện, thậm chí một lời đính chính. Chẳng hạn: “Thép đã tôi thế đấy” không phải là một cuốn sách viết về… luyện kim mà về một người thanh niên với một mối tình phi tình dục không vụ lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn