MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
1,7ha rừng tự nhiên với hơn 400 cây rừng tại Quảng Nam đã bị đơn vị thi công đường dây điện cao thế 110kV (thủy điện Tr'Hy) đốn hạ. Ảnh: BQL rừng Tây Giang

Ai bao che vụ mượn cớ làm đường dây tải điện để phá rừng

Thanh Hải LDO | 28/02/2024 17:49

Vụ phá rừng phòng hộ để làm đường dây tải điện ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam khi không còn che giấu được nữa thì mới đề nghị điều tra. Vụ việc đang gây bức xúc dư luận.

Hôm 27.2, trả lời báo chí về vụ phá hơn 1,7ha rừng phòng hộ tại Quảng Nam, lãnh đạo UBND huyện Tây Giang cho biết, hành vi xâm phạm, hủy hoại rừng bắt đầu từ khi Ban Quản lý dự án thủy điện Tr’Hy thi công đường dây điện cao thế 110kV năm 2019. Tuy nhiên, địa phương và đơn vị bảo vệ rừng chậm phát hiện, ngăn chặn.

“Sau khi có thông tin thì UBND huyện đã có chỉ đạo dừng ngay các hoạt động thi công, giao cho các ngành công an, kiểm lâm, viện kiểm sát huyện tiến hành kiểm tra, xác minh... để làm cơ sở xử lý theo quy định” - vị lãnh đạo này của huyện Tây Giang nói.

Kiểm đếm ban đầu xác định: Gần 20.000m2 rừng ở 3 xã Atiêng, Dang, Lăng đã thành đường, hành lang tuyến và trụ điện cao thế. Trong đó, gần 10.000m2 rừng phòng hộ, hơn 400 cây rừng tự nhiên, hàng chục cây gỗ lớn có đường kính hơn 40cm bị triệt hạ, thiệt hại hàng trăm mét khối...

Việc xâm hại rừng, làm đường dây điện thực hiện bằng cơ giới, diễn ra từ năm 2019, nhưng cả chính quyền lẫn lực lượng bảo vệ rừng đều không hay biết. Cho đến khi thay mới Hạt trưởng kiểm lâm huyện, vụ việc mới được "phát hiện". Khi báo chí phản ánh thì UBND huyện và cơ quan chức năng ở Tây Giang... mới "có thông tin".

"Mới có thông tin" về vụ phá rừng nghiêm trọng ở địa phương mình từ tân Hạt trưởng kiểm lâm hay từ báo chí, rõ ràng là cách bao biện của lãnh đạo huyện Tây Giang. Bởi chỉ cái bẫy thú xuất hiện, một vài cây rừng bị dân đốn hạ đã bị kiểm lâm phát hiện, điều tra, thậm chí truy tố ngay.

Vụ việc này xảy ra gần 5 năm, sát cơ quan quản lý bảo vệ rừng. Hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để làm đường dây tải điện thì được các cấp, cơ quan chức năng địa phương ký, trình Trung ương. Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì rừng đã thành đường dây điện, gỗ nằm la liệt... mà không phát hiện. Đó là chưa kể, hồ sơ xin chuyển đổi 2.000m2 rừng, nay lộ ra thì rừng đã bị phá gần 20.000m2 rồi.

UBND huyện Tây Giang chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ... vụ xâm hại rừng. Đây là hành động đúng, đương nhiên. Nhưng, ngoài việc điều tra lâm tặc, xử lý vụ phá rừng thì Quảng Nam cần phải điều tra rõ những cơ quan, cán bộ liên đới, có dấu hiệu bao che, tiêu cực để che giấu, làm nhẹ vụ việc phá rừng nghiêm trọng này.

Mỗi năm Quảng Nam chi đến hơn 200 tỉ đồng để thuê khoán bảo vệ rừng, nhưng để xảy ra hậu quả này là khó chấp nhận. Nhất là ở Tây Giang - địa phương nổi tiếng có phong trào gìn giữ, bảo vệ rừng từ lâu đời với slogan: “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”.

Quảng Nam cũng đang thí điểm bán tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Nếu thành công, có thể thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Hơn nữa, việc bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và khai thác rừng bền vững còn là mục tiêu quốc gia, là cam kết của Việt Nam trong mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký kết giữa các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu - COP26 và COP27. Nên cần điều tra, xử lý vụ phá rừng này triệt để.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn