MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Lê Duy Thành nhận nhiều tỉ đồng từ "Hậu Pháo". Ảnh: Bộ Công an

Ai cầm tiền của "Hậu Pháo" phải nộp lại đủ, xử hành vi phạm tội tính sau

Lê Thanh Phong LDO | 26/03/2024 16:15

Ngày 26.3, Bộ Công an tổ chức họp báo về kết quả công tác Công an quý I/2024, trong đó có thông tin về vụ "Hậu Pháo”.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, bị can Hoàng Thị Thúy Lan - cựu Bí Thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Lê Duy Thành - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - bị khởi tố về tội nhận hối lộ. Cơ quan điều tra xác định, hai bị can nhận số tiền tương đối lớn, hàng tỉ đồng. Cả hai đã nộp lại số tiền này.

Không chỉ Hoàng Thị Thúy Lan, Lê Duy Thành, mà Nguyễn Văn Hậu (tức "Hậu Pháo") còn bắn "viên đạn bọc đường" vào nhiều nhân vật khác, trong đó có cựu lãnh đạo của tỉnh Quảng Ngãi.

Với một doanh nghiệp cấp huyện về xây lắp hoạt động từ năm 2004, đến năm 2015, Tập đoàn Phúc Sơn đã phát triển mạnh mẽ, nhận nhiều công trình từ Bắc vào Nam. Đến nay, Tập đoàn Phúc Sơn có 21 dự án với tổng mức đầu tư trên 40.000 tỉ đồng.

Một doanh nghiệp làm ăn tốt, phát triển lớn mạnh, chăm lo người lao động, đóng thuế cho nhà nước, làm ra của cải vật chất cho xã hội là quá tốt. Nhưng Tập đoàn Phúc Sơn không phải như vậy, mà trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 640 tỉ đồng, hiện còn nợ hàng chục nghìn tỉ đồng tiền thuế.

Tại sao Tập đoàn Phúc Sơn có thể hoành hành được như vậy, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Hậu dựa vào mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn.

Những người có liên quan đến "Hậu Pháo" lần lượt bị khởi tố tạm giam, đã nộp lại tiền nhận từ Hậu. Không chỉ hai cựu lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Phúc, mà còn nhiều nhân vật khác. Một người nhận tới 64 tỉ đồng, đó là Đặng Trung Hoành - Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Bất cứ ai đã nhận tiền của "Hậu Pháo", không trước thì sau cũng phải nộp lại đủ. Kể cả những người "chưa bị lộ", cũng nên tự thú và nộp lại tiền nhận hối lộ, vì chắc chắn không tránh được lưới pháp luật.

Gần đây, nhiều vụ án được khởi tố, các bị can ngay lập tức nộp lại tiền. Đây cũng là điều mà người dân mong muốn, trước hết phải thu lại được số tài sản mà các bị can có được do tham nhũng, nhận hối lộ. Phải tịch thu các loại tài sản do phạm tội mà có để bù đắp phần nào thiệt hại của nhà nước, của nhân dân.

Không chỉ với số tiền tự khai và nộp ban đầu, trong quá trình điều tra, xét xử, cần phải làm rõ thêm các loại tài sản khác, nếu có chứng cứ về tham nhũng, nhận hối lộ, phải làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Triệt phá tội phạm tham nhũng phải tận gốc, gốc ở đây chính là tịch thu hết tài sản tham nhũng. Nếu chỉ xử phạt tù mà không thu hồi được tài sản thì công cuộc phòng chống tham nhũng chưa thực sự thành công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn