MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rác ùn ứ trên phố Hà Nội Ảnh: Phạm Đông

Ai sẽ đi đo khối lượng rác từng nhà dân để tính tiền?

Lê Thanh Phong LDO | 15/12/2021 12:18

"Giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (rác) từ hộ gia đình, cá nhân được tính dựa trên khối lượng, thể tích chất thải ra", đó là nội dung được quy định tại Luật bảo vệ môi trường 2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1.1.2022.

Có nghĩa là, theo quy định mới, sẽ không cào bằng như trước, mà ai xả rác nhiều thì trả tiền nhiều, ai xả rác ít thì trả tiền ít, như vậy mới công bằng.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 79 luật này quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ: a) Phù hợp với quy định của pháp luật về giá; b) Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Về lý thuyết là như vậy, nhưng khi triển khai trên thực tế, việc kiểm soát khối lượng và phân loại rác hoàn toàn không dễ. Muốn thực hiện được phải dựa vào sự tự giác của người dân và phải có lực lượng kiểm tra, giám sát, xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Thực tế cho thấy, khi chưa có quy định về trả tiền theo khối lượng rác thải, nhiều người đã tìm cách đổ rác xuống cống, kênh rạch, hoặc đổ sang nhà người khác. Nếu thực hiện theo quy định mới, phải trả tiền theo khối lượng, thì sẽ có nhiều người sợ tốn tiền, vứt rác bừa bãi. Lúc đó, ai sẽ xác định rác đó là của hộ nào để tính khối lượng?

Chính quyền các địa phương có đủ lực lượng để kiểm tra việc xả rác của các hộ dân trên địa bàn hay không? Đây còn là bài toán kinh tế cần phải giải, bởi vì lấy nguồn tiền đâu để trả lương cho lực lượng này. Và nếu không có lực lượng kiểm tra giám sát, thì luật sẽ không đi vào đời sống.

Thêm một chuyện nữa liên quan đến rác thải sinh hoạt.

Khoản 1, Điều 75 của Luật bảo vệ môi trường quy định Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng,tái chế; b) Chất thải thực phẩm; c) Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Ba loại rác này ai cũng biết, thế giới người ta thực hiện từ lâu lắm rồi, nhưng Việt Nam thì chưa. Đơn giản là khi người dân phân chia 3 loại, nhưng đơn vị thu gom lại đổ chung vào một rọ, coi như hòa.

Người dân thấy chuyện phân loại không thực tế, nên không làm theo quy định. Muốn việc phân loại này được thực hiện nghiêm túc, thì phải triển khai đồng bộ, có giám sát và chế tài những trường hợp không chấp hành.

Còn 2 tuần nữa là Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực, nhưng chỉ riêng xử lý rác thải sinh hoạt vẫn còn ngổn ngang trăm mối. Chẳng lẽ luật có hiệu lực nhưng các địa phương không thi hành hoặc không đồng bộ, nơi áp dụng nơi không, hoặc mỗi nơi áp dụng một cách.

Vậy thì có còn là luật nữa hay không?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn