MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ăn chặn vật tư y tế là bòn rút sức khỏe bệnh nhân

Lê Thanh Phong LDO | 10/12/2019 11:28

Cắt đôi que thử HIV và viêm gan B xảy ra ở Bệnh viện Xanh Pôn làm rúng động dư luận. Khó có thể tưởng tượng được nhân viên y tế lại có thể làm cái việc thất đức như vậy.

Thất đức vì những người này biết khi vật tư y tế bị bớt xén sẽ không cho ra kết quả xét nghiệm chính xác. Nếu như một bệnh nhân nhiễm HIV lại có kết quả xét nghiệm âm tính, không biết mình nhiễm bệnh, thì mức độ nguy hiểm khôn lường.

Người bệnh đi xét nghiệm để chữa trị, nhưng không biết mình bệnh hoặc ngược lại sẽ không bảo đảm sức khỏe. Cho nên, bớt xén vật tư y tế là ăn chặn sức khỏe của bệnh nhân.

Từ trước đến nay, có bao nhiêu người đến Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để xét nghiệm, vậy ai dám đảm bảo kết quả xét nghiệm của họ là chính xác. Vì vậy, ít nhất Bệnh viện phải chịu trách nhiệm và bỏ ra chi phí để cho họ xét nghiệm lại với tất cả các trường hợp có nhu cầu. Trách nhiệm hình sự tính sau, ai có hành vi vi phạm phải chịu, nhưng Bệnh viện Xanh Pôn không thể phủi tay trước vụ bê bối này.

Tình trạng ăn chặn sức khỏe này không phải đơn lẻ mà khá phổ biến. Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa xác định 5 bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa đã chủ động kê toa, rút bớt thuốc, vật tư y tế của người bệnh gây thiệt hại gần 1,6 tỉ đồng.

Điều trị bệnh nhân mà rút bớt thuốc thì khác gì bòn rút sức khỏe của bệnh nhân. Tội ác này không phải giết người trực tiếp mà gián tiếp giết người, giết từ từ.

Vụ mới toanh, bà Phạm Thị Huyền - Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Nhi Nam Định - bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định bắt tạm giam do có liên quan tới việc "ăn bớt" thuốc của bệnh nhi "tuồn" ra ngoài bán trục lợi.

Tất cả các vụ trên đều do một nhóm người thực hiện, có mưu mô, hành động theo kế hoạch, không phải như một vụ trộm cắp nhất thời. Đó mới là điều đáng sợ về y đức thời nay. Làm việc ác mà liên tục, thường xuyên, tháng này qua năm khác thì lương tâm những người này quá chai lì.

Với loại tội ác này dứt khoát phải nghiêm trị, vấn đề không phải là giữ gìn y đức mà là ngăn chặn hành vi tước đoạt sức khỏe của người khác, thậm chí xảy ra chết người.

Nhưng xử lý bằng pháp luật đối với những người bòn rút sức khỏe bệnh nhân là xử lý cái ngọn. Cái gốc là con người, đó là y bác sĩ, nhân viên y tế. Việc này thuộc trách nhiệm của ngành y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn