MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rất nhiều người trong xã hội cực chẳng đã phải lấy vỉa hè làm bàn ăn

Ăn cơm, uống nước cũng phải đeo khẩu trang?

Anh Đào LDO | 09/04/2020 17:57

Nếu chính quyền phạt cả những trường hợp ăn nơi công cộng vì lỗi không đeo khẩu trang thì cũng có thể uống nước ngoài đường cũng bị phạt. Chở nhau trên xe máy cũng bị phạt. Vì lỗi cách nhau 2 mét?

Câu chuyện phạt người ăn nơi công cộng vì lỗi không đeo khẩu trang xảy ra ở Bến Nghé, Quận 1, TP HCM.

Báo Thanh Niên, dẫn giải thích của UBND phường Bến Nghé: Hiện nay đã có quy định đi ra nơi công cộng bắt buộc đeo khẩu trang. Đồ ăn thì chỉ được mua đem về nhà dùng chứ không được ăn ở ngoài đường vì khả năng lây nhiễm cao, dù là một mình nhưng không đúng theo tinh thần của Chỉ thị 16.

Đại diện UBND Q.1 cũng khẳng định: Nếu không có việc cần thiết thì người dân không được ngồi ở nơi công cộng. Dù là đi làm, nhưng việc ngồi ăn ở công viên cũng bị phạt vì chỉ được ăn ở nhà hoặc cơ quan để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

"Nếu ngồi ăn ngoài đường một mình được thì các hàng quán cũng sẽ chừa 1 chỗ để khách ngồi ăn được. Người dân cần chú ý là ăn ở nhà, hoặc ở công ty, cơ quan của mình chứ không được ra ngoài đường ngồi ăn, dù là ngồi một mình”.

Có nghĩa là chính quyền, cả cấp phường lẫn quận đều khẳng định ngồi ăn ở khu vực công cộng, kể cả một mình, là hành vi vi phạm chỉ thị 16 và sẽ bị xử phạt.

Chỉ thị 16 yêu cầu người dân mang khẩu trang tại các khu vực công cộng. Chỉ thị 16 yêu cầu không tụ tập quá 2 người. Chỉ thị 16 yêu cầu đảm bảo giãn cách 2 mét...

Nhưng chỉ thị 16 không phải là chằn chặn những con số, những câu chữ ấy để những người thực thi máy móc bất chấp những tình huống thực tế.

Trời đánh tránh miếng ăn. Huống chi phải ăn uống ngoài đường, chuyện cực chẳng đã của những lao động vỉa hè, chẳng lẽ còn chưa phải là cần thiết?

Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, TS Lê Hồng Sơn vừa chỉ ra tình trạng tùy tiện, cực đoan, thiếu cơ sở pháp lý trong phòng chống dịch bệnh ở nhiều địa phương. Nào là đổ đất cấm đường hay bêu tên người dân đi chợ quá 2 lần/ngày...

Để tránh sự tùy tiện, cực đoan, máy móc ấy, TS Sơn cho rằng các cơ quan thẩm quyền ở trung ương cần có ngay các văn bản pháp luật để tạo ra sự thống nhất trong cách thức thực hiện.

Cách suy diễn pháp luật, nguy hiểm nhất là sẽ dẫn tới việc lạm quyền của những người thực thi. Nếu phạt cả chuyện ngồi ăn ngoài đường vì lỗi không đeo khẩu trang, thì sẽ đến lúc người ta sẽ phạt cả những người chở nhau trên xe máy, vì lỗi không đảm bảo khoảng cách 2 mét?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn