MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Huân (áo xanh) đang cố gắng tiếp cận cô gái vừa mới nhảy cầu tự vẫn. (ảnh cắt từ clip).

Anh Huân, chị Hiên chứng minh lòng tốt có nhiều chung quanh ta

Lê Thanh Phong LDO | 04/04/2018 11:00

Bà Phan Thị Nghĩa nhận ra hành vi sai trái của mình, đã đến xin lỗi cô Phan Thị Hiên, có lẽ chừng đó cũng đủ để khép lại câu chuyện buồn này.

Nữ giáo sinh bị phụ huynh hành hạ, bắt quỳ xin lỗi đã có một nghĩa cử rất đẹp, rất là nhà giáo, đó là tha thứ cho người đã hành hung và sỉ nhục mình.

Ngày 3.4, nữ giáo sinh Phan Thị Hiên (21 tuổi), bị hại trong vụ án làm nhục người khác, có đơn bãi nại, rút yêu cầu đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can với bà Phan Thị Nghĩa (35 tuổi, trú thành phố Vinh).

Bà Phan Thị Nghĩa nhận ra hành vi sai trái của mình, đã đến xin lỗi cô Phan Thị Hiên, có lẽ chừng đó cũng đủ để khép lại câu chuyện buồn này.

"Bà Nghĩa thành thật hối hận và chấp nhận thỏa thuận dân sự giữa hai bên. Phía nạn nhân cũng muốn vụ án sớm khép lại để không tốn thêm thời gian, ảnh hưởng tới cuộc sống", đại diện gia đình nữ giáo sinh cho biết.

Một người còn trẻ, đã thể hiện tấm lòng của mình bằng sự tha thứ. Không chỉ bà Nghĩa mà nhiều phụ huynh khác và cộng đồng ghi nhận điều cao đẹp này.

Chưa chính thức làm cô giáo nhưng Phan Thị Hiên đã xứng đáng với nghề trồng người. Tính nhân văn, sự hướng thiện luôn là nhu cầu không bao giờ thoả mãn của con người, cho nên mọi hành vi mang tính nhân văn đều cần thiết, nhất là ở những nơi còn thiếu vắng.

Chuyện thứ hai, thấy một cô gái nhảy sông tự tử ở cầu Thiệu Hoá bắc qua sông Chu- Thanh Hoá, anh Lê Xuân Huân phóng theo từ độ cao 20 mét để cứu một người không quen biết, chỉ giản dị là: "Mình biết bơi, thấy người đang có nguy cơ chết đuối dưới sông nên nhảy xuống cứu thôi".

Đúng vậy, lúc đó chỉ có lòng tốt thúc đẩy hành động, chẳng ai có thì giờ để tính toán hơn thiệt.

Anh Lê Xuân Huân đã xả thân cứu người, bất chấp hiểm nguy, có thể mất mạng. Trong nhiều người xem cô gái gieo mình xuống sông, cũng có người biết bơi, nhưng không ai can đảm nhảy xuống cứu người. Sự khác biệt chính là chỗ dám hay không.

Người ta có nhiều lý do để thuyết phục mình không cứu người, vì gấp việc, vì cầu quá cao, vì sợ người đuối nước níu chặt cả hai... Trên thực tế, có những người chỉ đứng xem người gặp nạn vì những lý do tương tự.

Anh Huân, chị Hiên đã cho chúng ta thấy điều ngược lại. Và mỗi người vững tin rằng chung quanh ta còn có lòng tốt, sự vị tha và có người dám hy sinh vì tha nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn