MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) và đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) trong bộ áo dài ngũ thân trên thảm đỏ dẫn vào nghị trường. Ảnh: Phan Thanh Hải cung cấp

Áo dài ngũ thân thướt tha trên thảm đỏ Quốc hội

Hoàng Văn Minh LDO | 29/05/2023 15:06

Chia sẻ tích cực nhất trên mạng xã hội mấy hôm nay là hình ảnh đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) và đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cầm tay nhau xuất hiện thật đẹp, thật thướt tha và bản sắc trong bộ áo dài ngũ thân trên thảm đỏ dẫn vào nghị trường.

Nhiều bình luận bất ngờ bởi không nghĩ, Áo dài ngũ thân - Quốc phục một thuở của người Việt Nam lại đẹp như vậy khi xuất hiện ở nghị trường Quốc hội, mặc dù hai đại biểu trên mới chỉ mặc những chiếc áo dài đơn giản nhất, không có hoa văn trang trí. 

Áo dài ngũ thân nam xuất hiện trên nghị trường. Ảnh: Phan Thanh Hải cung cấp 

Thú vị là áo dài ngũ thân không chỉ xuất hiện với số 2 đại biểu nữ mà còn xuất hiện số đông với cả đại biểu nam trên nghị trường.

Điều này cho thấy các đại biểu Quốc hội đang rất chú trọng vấn đề phát huy bản sắc văn hoá. Và áo dài ngũ thân – Quốc phục một thuở của người Việt Nam đang được lan tỏa mạnh mẽ bởi vẻ đẹp, sự cuốn hút.

Sự lan toả, bắt đầu ở Huế từ nhiều năm trước với những cố gắng, kiên định của TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc xây dựng và triển khai đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” nhằm trước hết để phục hưng một truyền thống văn hóa của dân tộc. Và đích đến xa hơn là làm sao để áo dài ngũ thân nam nữ sớm được công nhận là Quốc phục của người Việt Nam như đã từng.

Còn nhớ, cũng trên diễn đàn Quốc hội 2 năm trước, tại phiên thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ chiều 29.3.2021, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề cập đến vấn đề Quốc phục.

Nữ đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu: “Khi đi tiếp xúc cử tri, mọi người nói với tôi đề nghị đại biểu Quốc hội cho biết, khi mặc lễ phục thì tại sao nữ giới mặc áo dài truyền thống còn nam giới lại phải mặc comple?.

Chúng tôi đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu trong thời gian tới đưa áo dài ngũ thân nam truyền thống để báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ xây dựng luật về nghi lễ, Quốc phục, Quốc hoa. Để nam giới và nữ giới đều mặc áo truyền thống, kế thừa truyền thống của cha ông ta”.

Cũng chuyện Quốc phục, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế từng tâm sự về những trải nghiệm không mấy thú vị trên báo Lao Động.

Rằng: “Tôi từng đi nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế. Trong những buổi tiệc chia tay, ban tổ chức thường đề nghị đại biểu mặc trang phục dân tộc hoặc quốc phục. 

Ban đầu, tôi hay mặc bộ veston trong khi các đại biểu Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Indonesia đều có trang phục truyền thống, Quốc phục nước họ. 

Không ai nói gì tôi nhưng tôi tự thấy mình thiếu bản sắc, không có nét riêng. Tôi nghĩ những người làm ngoại giao đều sẽ thấy như tôi”.

Trang phục cũng là một hình thức biểu đạt văn hóa. Trong khi nước ta là đất nước có truyền thống văn hiến và có bản sắc văn hóa nhưng lại chưa thể hiện tốt việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, trong đó có áo dài.

Tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây, sự biểu đạt này bắt đầu để lại dấu ấn khi áo dài ngũ thân nam thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện ngoại giao khi các Đại sứ Việt Nam trình Quốc thư và tiếp kiến ngoại giao. Gần nhất là những thướt tha, trang trọng của những tà áo dài ngũ thân nam nữ xuất hiện trên diễn đàn Quốc hội.

Ngày xưa, ở các nước phương Đông, chế độ y quan (áo mũ, tức là trang phục) và lễ nhạc (nghi lễ và âm nhạc) là hai tiêu chí để đánh giá văn minh một quốc gia. 

Với Việt Nam, bắt đầu từ thế kỷ 19, Áo dài thực tế đã trở thành biểu trưng của một chế độ văn minh “y quan rực rỡ”. Và giờ đây, Áo dài ngũ thân hoàn toàn có cơ sở và hy vọng để lần nữa sớm trở thành Quốc phục Việt Nam cho cả nam và nữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn