MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá vé máy bay trong nước dịp nghỉ lễ đang cao ở mức độ khủng khiếp. Ảnh minh hoạ: Khánh Linh

Áp sàn giá vé máy bay là triệt tiêu động lực cạnh tranh

Đào Tuấn LDO | 08/04/2023 09:20

Áp giá tối thiểu (giá sàn) đối với vé máy bay đã được một vị đại biểu quốc hội đề xuất. Lý do là “Giá vé 0 đồng có lợi cho người tiêu dùng nhưng lại không tạo sự cạnh tranh lành mạnh”.

Câu chuyện có thật là giá vé máy bay trong nước dịp nghỉ lễ 30.4 tới đang cao đến mức khủng khiếp, trong khi giá vé chặng quốc tế thì lại rẻ bất ngờ, một số chặng, thậm chí còn rẻ hơn bay trong nước.

Khảo sát giá vé máy bay chặng Hà Nội - Phú Quốc ngày 4.4 trên website các hãng, một tờ báo liệt kê: Vietnam Airlines mở bán 8,5 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi, Vietjet và Bamboo Airways có giá từ 7,9 - 8,3 triệu đồng.

Trong khi đó, giá vé khứ hồi từ TP.HCM - Thái Lan chỉ từ 3,2 - 5 triệu đồng. Và vé khứ hồi chặng TP.HCM - Singapore, chỉ 5,5 triệu đồng, còn rẻ hơn chặng bay từ Hà Nội - Phú Quốc.

Giá vé máy bay trong nước quá cao có nhiều lý do, trong đó có lý do là những chi phí không hợp lý, có tình trạng phí chồng phí.

Chẳng hạn chuyện khách hàng phải trả 10 ngàn đồng ra vào cổng cho taxi hay xe công nghệ dù vào khu vực sân bay chỉ vài phút. Trong khi đã phải trả 120 ngàn tiền phí sử dụng dịch vụ cảng và an ninh có trong giá vé.

Giá vé cao bất thường, cao vô lý nhẽ ra phải là một chủ đề thảo luận khi sửa đổi luật Giá.

Vậy mà hôm qua, trong Hội nghị góp ý dự án Luật Giá (sửa đổi) lại có những ý kiến đề nghị áp cả giá sàn đối với vé máy bay. Lý do: Giá vé 0 đồng có lợi cho người tiêu dùng, nhưng lại không tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không.

Áp giá sàn, hiểu đơn giản, là việc ấn định một hạn mức để giá không thể rẻ hơn nữa.

Hiểu đúng bản chất của việc áp giá sàn, ngay lập tức đã cho thấy nếu nó được đưa vào luật thì thực chất là việc triệt tiêu động lực cạnh tranh, đã xoá bỏ yếu tố thị trường của hàng hoá dịch vụ.

Câu hỏi đúng phải vì sao một số hãng hàng không vẫn tồn tại, thậm chí vẫn có lợi nhuận với giá vé “0 đồng, 200 ngàn đồng hoặc 500 ngàn đồng” trong khi các hãng khác thì không?!

Trong nhất thời, có thể chưa bỏ quy định giá trần, nhất là đối với một số đường bay cạnh tranh hạn chế, độc quyền khai thác... tránh trường hợp các hãng hàng không đưa ra giá vé quá cao.

Nhưng còn việc áp giá sàn thì không. Vì nó vừa không “rất hay”, vừa không có lợi cho người tiêu dùng, vừa phi thị trường, vừa triệt tiêu cạnh tranh.

Cũng rõ ràng là không thể đứng ở giác độ lợi ích của các “hãng bay khác” mà đề xuất một thứ người dân hoàn toàn không được lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn