MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn với các lái xe. Ảnh Trần Vương

App đo nồng độ cồn bằng... điện thoại: 1 phút hoặc 40 triệu đồng

Anh Đào LDO | 27/03/2020 07:00

Chỉ cần tốn tối đa 1 phút, mỗi người dân đã có thể tự kiểm tra nồng độ cồn và được tính giúp luôn cả mức tiền phạt nếu lái xe trong tình trạng có cồn.

Ứng dụng tự đo (ước lượng nồng độ cồn) đã được cổng thông tin giao thông TPHCM chính thức tích hợp trên App store trong nỗ lực giúp người dân thuận tiện hơn khi tham gia giao thông.

Chỉ cần vào app, tiến hành một vài thao tác cơ bản: Điền thông tin cân nặng, độ cồn (% hoặc độ cồn) và thể tích sử dụng (tính theo ml), người dân ngay lập tức được “trả” các thông số về độ cồn trong máu (g/100ml); thời gian hết cồn trong máu. Và thậm chí, còn được tính giúp luôn cả mức độ xử phạt theo loại phương tiện.

Báo chí, dẫn nguồn người quản lý Cổng thông tin giao thông TPHCM cho biết, những thang số tính toán trong app được tham khảo từ nguồn của Bộ Y tế  và các quy định tại Nghị định 100. Và mục đích, là giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tham gia giao thông an toàn.

Dù kết quả tính toán nồng độ cồn và thời gian hết cồn trong máu chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng rõ ràng, đây là một phương tiện cực kỳ hữu dụng, mang tính chất một “thước đo”.

Thực tế trong việc triển khai Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 cho thấy cái khó nhất của người dân là thiếu một công cụ đo lường- dù tương đối- để biết chính xác nồng độ cồn trong máu. 

Cảm quan, hoặc nhận thức chủ quan, thì đáng tiếc, lại không thể như một chiếc máy đo nồng độ cồn của CSGT để bảo đã hết cồn hay vẫn còn nồng độ cồn.

1 phút, để tự kiểm tra (dù tương đối), rõ ràng, có lợi hơn rất nhiều so với mức phạt, có khi lên đến 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.

Chúng ta đang nói rất nhiều đến “cách mạng 4.0”, đến ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống, và trong lĩnh vực giao thông, đang cho thấy là một trong những lĩnh vực triển khai mạnh mẽ nhất.

Các thông tin về phương tiện, vi phạm... đã được công khai và có thể tra cứu trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan lĩnh vực.

Từ 13.3 vừa rồi, việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng đã chính thức được triển khai qua Cổng dịch vụ công quốc gia tiết kiệm cho xã hội đến 6 triệu ngày công và hơn 1.300 tỉ đồng/năm.

Việc triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông không chỉ giúp người dân thuận tiện mà nó còn tạo ra sự minh bạch, còn là cải cách hành chính cho những lĩnh vực người dân bức xúc, phản ánh nhiều nhất. Chưa kể, còn giảm tránh đến mức tối đa những tiêu cực mà chúng ta gọi là “làm luật” hay chi phí không chính thức. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn