MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ba nền tảng để kinh tế số phát triển nhanh và bền vững

Lê Thanh Phong LDO | 02/10/2023 07:08

Việc lựa chọn kinh tế số là hướng đi để Việt Nam vượt lên trở thành quốc gia phát triển, phồn thịnh là đúng đắn, phù hợp với thực lực, thực tế của đất nước. Thực lực và thực tế là ở chỗ, con người Việt Nam thông minh, có thể xây dựng được một lực lượng đủ năng lực phục vụ cho các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế số.

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030, trước hết là phải hoàn thiện chính quyền điện tử. Hoàn thiện có nghĩa là một hệ thống kết nối mạch lạc từ trên xuống dưới, không rời rạc, đơn lẻ. Sự không tương thích các ứng dụng của hệ thống hành chính làm lãng phí nguồn lực, chậm triển khai trình số hóa và hiệu quả thấp.

Chính quyền điện tử hoàn thiện sẽ tạo ra không gian và môi trường hình thành xã hội số. Bộ máy hành chính vận hành bằng hệ thống được số hóa, bắt buộc doanh nghiệp, người dân thực hiện các quan hệ Nhà nước - công dân qua các ứng dụng công nghệ. Đó chính là tiền đề để thúc đẩy các lĩnh vực hoạt động khác phải được số hóa.

Thứ hai là cộng đồng doanh nghiệp phải chuyển đổi để số hóa tối đa các hoạt động, các ứng dụng công nghệ tiên tiến được áp dụng, đồng thời sáng tạo ra các ứng dụng để thay thế cho công nghệ "chạy bằng cơm". Muốn được như vậy, cần phải có nhiều "start up" đầu tư lĩnh vực công nghệ, làm ra những sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp các công cụ để số hóa, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ tạo ra môi trường kinh doanh và môi trường xã hội số.

Các ứng dụng của doanh nghiệp trong nước sản xuất không chỉ cho thị trường nội địa, mà còn xuất khẩu đến các nước trong khu vực, thậm chí là các nước có nền công nghiệp công nghệ số tiên tiến. Đây không phải là chuyện xa vời, vì trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm công nghệ sang các thị trường khu vực, châu Âu và Mỹ.

Thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực số, không có con người "số" thì không số hóa được. Đầu tiên là lực lượng làm việc trong hệ thống hành chính, sản phẩm công nghệ chỉ vận hành được khi có con người làm chủ được các sản phẩm đó. Phải tích cực "thay máu", ưu tiên sử dụng người có năng lực, đảm đương được đòi hỏi của thời đại công nghệ. Bộ máy chính quyền thiếu nguồn nhân lực này thì không thể tạo ra không gian số cho cộng đồng xã hội tham gia hoạt động và phát triển kinh tế số.

Nguồn nhân lực số không tự dưng mà có, phải có chiến lược đào tạo, thu hút nhân tài, "săn đầu người". Các doanh nghiệp sở hữu nhiều nhân tài công nghệ thì mới nói đến chuyện kinh tế số.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn