MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chúng ta từng xúc động trước hình ảnh nhân viên y tế ngất xỉu vì kiệt sức trong đại dịch, nhưng rồi ngay cả các bác sĩ vẫn có mức lương 6 triệu đồng. Ảnh: TTYTBB

Bác sĩ lương 6 triệu đi ăn phở thấy tuyển rửa bát lương 8 triệu

Đào Tuấn LDO | 09/11/2021 10:42

Có phải là công bằng khi mà một bác sĩ lương chỉ 6 triệu/tháng, trong khi một người rửa bát ở quán phở thì lương 8 triệu. Bác sĩ, học 6 năm trường Y. Lao động làm nghề rửa bát thì ngoài 8 triệu/tháng còn được “bao ăn ở”.

Câu trả lời là: công bằng - với người rửa bát. Họ cũng đổ mồ hôi, cũng vất vả kiếm tiền hoàn toàn lương thiện chứ tham ô tham nhũng hay trộm cắp cướp giật mồ hôi nước mắt của ai đâu.

Nhưng câu trả lời cũng là: Không công bằng, với các bác sĩ, với nghề y, một nghề mà quá trình đào tạo dài nhất trong các nghề, một nghề đòi hỏi quá nhiều cống hiến thậm chí hi sinh.

Câu chuyện “bác sĩ đi ăn phở” này được đưa ra chỉ ngay sau phát biểu nghị trường của Đại biểu quốc hội Phạm Khánh Phong Lan về những “bài học xương máu”, đặc biệt là sự yếu kém của hệ thống y tế cơ sở “Chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết”.

Theo bà Phong Lan: Hiện chỉ 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở cũng “không đáng kể gì đâu so với nhu cầu”. Trong khi nhiều địa phương thực hiện việc này (chỉ đủ 30%) chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Và bà nói thêm: “Bộ Y tế đã rất cực khổ, không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, mà đã thực sự vào cuộc. Về y tế cơ sở, tôi nghĩ không phải chỉ vấn đề về tiền, mà còn vấn đề về nhân lực”.

Bà Lan nói trúng và thấm quá.

Chúng ta chi cho y tế không hề ít khi cơ cấu chi luôn “năm sau cao hơn năm trước”, đạt tỉ trọng đến 7,1% tổng chi ngân sách nhà nước.

Chưa kể rằng: Tỉ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế dù đã giảm xuống 43% nhưng vẫn cao từ 2-2,5 lần so với các nước phát triển và so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về cái mốc chi phí y tế mang tính chất thảm hoạ 40%.

Có lẽ, sự tan tác trong đại dịch cũng giúp chúng ta có một cái nhìn chân xác hơn để trả lời những câu hỏi đặt ra từ đại dịch.

Tại sao lại chỉ có 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở dù biết là “không đáng kể gì đâu so với nhu cầu”, dù họ là tuyến đầu tiên tiếp nhận và xử lý như đáng lẽ phải thế?

Tại sao việc không chi đủ từ một số địa phương, một sự vô lý không thể chấp nhận lại trở thành... bình thường?

Và, với tỉ trọng đến 7,1% tổng chi ngân sách, với tỉ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi người dân lên tới 43% nhưng tiền đã đi đâu? Khi mà đấy, lương bác sĩ 6 triệu.

Nỗi ngậm ngùi của một “bác sĩ đi ăn phở” là chuyện phải giải quyết, bằng tiền, và không chỉ tiền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn