MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bài học “800 năm và 1 giờ” từ Nhà thờ Đức Bà Paris

LÊ THANH PHONG LDO | 18/04/2019 07:30

Cả thế giới bàng hoàng trước tin dữ, Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy, ngọn lửa thiêu rụi phần lớn công trình kiến trúc vĩ đại này.

Tờ NBC News của Mỹ đặt dòng tít không thể hay hơn, đó là “Cháy Nhà thờ Đức Bà: Tòa tháp sụp đổ như chứng kiến “con dao găm xuyên thấu trái tim của Paris”. Không chỉ trái tim người Paris, mà người Pháp và những người yêu chuộng nghệ thuật, lịch sử trên trái đất này đều cùng mang nỗi đau buồn như nhau. Chính vì vậy, rất nhiều du khách bật khóc khi chứng kiến ngọn lửa thiêu ngôi nhà thờ và là kiệt tác nghệ thuật kiến trúc nổi tiếng này.

Bởi vì, những công trình nghệ thuật, di tích lịch sử có giá trị không chỉ dành riêng cho người dân một xứ sở, mà là tài sản của nhân loại.

Trước khi đám cháy xảy ra, không ai có thể tưởng tượng Nhà thờ Đức Bà Paris bị sụp đổ vì một đám cháy. Nhà thờ được khởi công xây dựng vào năm 1163 và phải mất 2 thế kỷ mới hoàn tất. Xây dựng 200 năm, tồn tại 800 năm, vậy mà thành tro trong một giờ.

Ngoài chuyện cảm xúc với sự mất mát lớn đối với nước Pháp, còn là chuyện lý trí, đó là bài học rút ra cho việc trùng tu, bảo tồn di tích của Việt Nam. Chưa có kết luận về nguyên nhân vụ cháy, nhưng Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy trong khi đang trùng tu, có thể là do một sự bất cẩn.

Việt Nam có nhiều di sản tầm vóc thế giới, cũng phải trùng tu để bảo đảm sự tồn tại của công trình trước thời gian, hãy cẩn thận đừng để xảy ra những sự cố bất ngờ đáng tiếc và hỏa hoạn là một ví dụ. Khi nó đã xảy ra rồi, dù có nhiều tiền để phục dựng cũng không bao giờ được như cũ. Tổng thống Pháp khẳng định xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris ngay lập tức, nhiều nhà hảo tâm sẽ bỏ tiền hỗ trợ, nhưng sẽ không là công trình của 800 năm trước.

Bài học là, di sản văn hóa phải chịu bị làm mới do một đám cháy còn có thể chia sẻ được vì đó là một rủi ro ngoài ý muốn, nhưng không thể chấp nhận một di sản bị chính con người cố tình làm mới trong quá trình tu bổ, trùng tu.

Hãy giữ gìn di tích văn hóa, lịch sử khỏi sự tấn công của thiên nhiên, gây hại của rủi ro hỏa hoạn, bão tố, lụt lội. Phố cổ Hội An, kinh thành và lăng tẩm đền đài Huế từng bị lũ lụt nhấn chìm nhưng vẫn “sống sót”.

Vậy thì, đừng để các công trình vô giá đó phải “chết” bởi sự can thiệp thô bạo và bất cẩn của bàn tay con người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn