MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Việt Văn

Bài học môi trường từ những chiếc đèn trung thu

Lê Thanh Phong LDO | 30/09/2020 07:25

Những chiếc lồng đèn trung thu được trưng bày thành gian hàng rất đẹp, hấp dẫn các em thiếu nhi. Thú vị hơn là từ những lon bia, nước ngọt... đã được các anh chị đoàn viên thanh niên Bến Tre làm thành những chiếc lồng đèn đẹp mắt. Con nít đứa nào chẳng thích có cái lồng đèn để chơi với bạn bè đêm trung thu?

Quá dễ, các em thiếu niên cứ đem chai nhựa các loại đến để đổi lồng đèn. Đây là sáng kiến bảo vệ môi trường được Tỉnh đoàn Bến Tre tổ chức nhân dịp Trung thu năm nay.

Rác nhựa thu gom được, đem bán lấy tiền gom vào quỹ tặng bệnh nhi nghèo.

Muốn có lồng đèn, các em phải đi nhặt chai nhựa, việc mà ai cũng có thể làm được. Để giúp các em có nhiều chai nhựa, phụ huynh cũng đi nhặt với con cái. Nhiều người đi nhặt chai nhựa chính là một cách dọn rác nhựa trên địa bàn tỉnh.

Các em nhặt chai nhựa để đổi lồng đèn trung thu, nhưng qua đó học được bài học về bảo vệ môi trường. Các em hiểu thêm được rằng không nên xả rác mà ngược lại phải dọn rác, các em biết thêm một điều, những loại rác nhựa vứt đi là lãng phí, có thể thu gom, bán lấy tiền. Rác nhựa được tái chế, sử dụng lại nhiều lần.

Một mùa trung thu, trẻ em vui chơi, nhưng rất có ý nghĩa, rất nhân văn, nhân ái.

Chuyện ở Bến Tre liên tưởng đến chuyện mới đây ở TPHCM. Khoảng đầu tháng 9 vừa qua, Quận đoàn Quận 1 và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 1 tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế dùng rác thải nhựa. Cụ thể là 10 phường của Quận tổ chức các điểm nhận chai nhựa và phát gạo cho người dân, hoạt động diễn ra mỗi tuần một lần nhằm hạn chế tập trung đông người.

Chương trình “đổi nhựa lấy gạo” quá hay, bà con thích lắm. Cứ 1kg nhựa đổi được 1kg gạo, ai chẳng muốn đi nhặt rác nhựa về để kiếm nhiều gạo. Nếu chương trình này lan tỏa ở nhiều quận, chắc chắn sẽ gây hiệu ứng rất lớn, thành phố sẽ có gương mặt sáng sủa hơn bởi vì có nhiều người tham gia dọn rác.

Ban đầu, người dân sẽ nhặt rác nhựa để đổi gạo, nhưng lâu dần sẽ thành thói quen phân loại rác, không vứt rác bừa bãi. Đường phố, khu phố sẽ sạch hơn, văn minh hơn. Vấn để là các chương trình này có đủ “kiên nhẫn” để chiến thắng thói quen xả rác của người dân hay không. Có nghĩa là chương trình phải kéo dài, liên tục, bền bỉ, người tham gia phải nhiệt tình, không làm theo kiểu phong trào vui vẻ chóng qua.

Đừng hô hào chống xả rác bằng khẩu hiệu, hãy hành động như các bạn đoàn viên thanh niên Bến Tre, Quận 1 - TPHCM.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn