MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 12.2022. Ảnh: Tỉnh ủy Bến Tre

Bài học về khai báo tài sản từ trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ

Lê Thanh Phong LDO | 19/08/2023 10:41

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ giải trình không trung thực về tài sản, đó là một trong những lý do ông Thọ bị đề nghị xem xét, xử lý kỷ luật.

Ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Ông Lê Đức Thọ cũng giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.

Trên đây là một phần nội dung kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về trường hợp của ông Lê Đức Thọ.

Không biết tài sản của ông Lê Đức Thọ như thế nào, nhưng không giải trình nguồn gốc và biến động một cách minh bạch, trung thực thì dù nhiều hay ít, cũng là vi phạm.

Ông Lê Đức Thọ có phải là trường hợp hiếm hoi giải trình tài sản không trung thực hay không, chắc chắn là không.

Ở các địa phương, tuy con số báo cáo về khai báo tài sản rất "đẹp", nhưng cũng có thể còn bỏ sót nhiều trường hợp không trung thực, có điều chưa bị phát hiện mà thôi. Cũng giống như trường hợp ông Lê Đức Thọ, phải có thời gian kiểm tra, mới phát hiện những điểm không trung thực.

Kê khai tài sản không trung thực hiểu ngắn gọn nhất là kê sai với con số thực, đương nhiên là kê khai thấp hơn tài sản sở hữu. Hoặc, tài sản của mình nhưng để cho người khác đứng tên, rồi giấu giếm số tài sản đó.

Ví dụ như ông bố cho con đứng tên chiếc ôtô sang trọng hay căn biệt thự đắt tiền. Chuyện chuyển tài sản cho con cái, người thân quá dễ làm nhưng cũng quá dễ truy nguồn gốc đồng tiền, chỉ cần kiểm tra thu nhập của đứa con thì biết.

Nhưng cũng không ít người đã áp dụng cách này để "tẩu tán" bớt tài sản, chỉ kê khai số tài sản mình đứng tên trực tiếp.

Cho nên, để hạn chế kê khai tài sản không trung thực, đặc biệt là đối với cán bộ chức vụ cao hoặc những trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, cần phải truy hết tài sản của vợ con, người thân. Nếu người đứng tên không giải trình được nguồn gốc tài sản thì đó chính là đầu mối, là dấu hiệu của hành vi vi phạm cần phải điều tra làm rõ.

Một Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy như ông Lê Đức Thọ bị đề nghị xem xét, xử lý kỷ luật vì giải trình tài sản không trung thực, đó chính là "gương" để tất cả cán bộ, quan chức khác soi chung.

Quý vị cứ tìm cách khai báo tài sản không trung thực đi, sẽ đến ngày bị phát hiện, nêu công khai và bị xử lý kỷ luật. Chưa kể, có thể bị xử lý nặng hơn nếu có hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng tiền bất minh mới giấu giếm, che đậy, tẩu tán, còn người làm ra đồng tiền lương thiện, minh bạch thì có gì sợ mà không dám kê khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn