MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bài toán giảm độ "sốc" cho nền kinh tế

Lê Thanh Phong LDO | 06/09/2023 06:41

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên. Trừ những lần giữ nguyên, số lần tăng hơn gấp đôi số lần giảm. Trong lần điều chỉnh này, giá mặt hàng nhiên liệu đã tăng từ 140 đến 290 đồng/lít tuỳ theo mặt hàng (duy chỉ có dầu mazut giảm 280 đồng).

Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào thiết yếu của nền kinh tế. Khi giá xăng dầu liên tiếp tăng và khả năng tiếp tục tăng, chắc chắn giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng theo, các đỉnh giá hàng hóa mới được lập theo từng đợt giá xăng dầu. Nếu không có biện pháp để “giảm sốt”, thì sẽ dẫn đến lạm phát, người dân và doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng dầu và tiếp tục không chi quỹ đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa, dừng chi quỹ với mặt hàng dầu mazut.

Đồng ý rằng, không phải lúc nào giá xăng dầu tăng thì cũng sử dụng công cụ bình ổn này, nhưng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chịu thêm áp lực vì nguồn đầu vào tăng, thì nó như một đòn bồi vào nền kinh tế đang bị trọng thương. So sánh với thời điểm này năm trước, sẽ thấy giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7.2022, nhờ đó áp lực các chi phí đầu vào được giảm đáng kể, lạm phát 8 tháng năm 2022 được kiểm soát ở mức 2,58%.

Một số dự báo của các tổ chức kinh tế thế giới cho rằng, do suy giảm kinh tế nên nhu cầu tiêu dùng dầu mỏ của thế giới không tăng lên trong những quý cuối năm 2023. Nhưng tình hình thế giới tiềm ẩn nhiều biến động khó đoán định, có nguy cơ tác động xấu đến thị trường xăng dầu, cho nên cần phải có sự chủ động kiểm soát thị trường xăng dầu trong nước ngay từ thời điểm hiện nay.

Các cơ quan quản lý phải tiên liệu trước tình hình biến động giá xăng dầu thế giới, nếu tăng giá đột ngột, vượt quá sức chịu đựng của người dân, tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, thì cần thiết phải có động tác hỗ trợ bình ổn giá. Xin lưu ý rằng, khi kinh tế suy thoái, làm ăn khó khăn, thì sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp trước tăng giá xăng dầu "yếu" hơn so với khi làm ăn phát đạt.

Do đó, tùy thời điểm để đánh giá sức chịu đựng của thị trường khi giá xăng dầu tăng. Sử dụng Quỹ bình ổn kịp thời và phù hợp, chính là thực hiện giải pháp giảm độ "sốc" cho nền kinh tế, ổn định thị trường, ngăn chặn lạm phát.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn