MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cháu bé trong vụ bắt cóc đòi tiền chuộc được giải thoát an toàn, nhưng sự kiện này là một chấn động tinh thần theo cháu suốt đời. Ảnh LDO

Bàn tay đưa về phía các em

Nguyễn Trung Hiếu LDO | 19/08/2023 14:43

Liên tiếp trong vài ngày qua, thông tin trẻ em bị xâm hại, bắt cóc; tai nạn đuối nước lại làm nóng dư luận và đặt ra lời kêu gọi khẩn thiết hơn đối với việc bảo vệ trẻ em thoát khỏi các nguy hại tiềm ẩn đe dọa đến tính mạng, sức khỏe thể chất lẫn tâm thần.

Mới đây, sự việc một cháu bé 7 tuổi tại Hà Nội bị bắt cóc khi đạp xe trước nhà, đòi tiền chuộc 15 tỉ gây bàng hoàng trong dư luận về độ táo tợn của thủ phạm. Cháu bé được giải thoát nhanh gọn, tuy không để lại di hại đối với thể chất, nhưng đó là ấn tượng khó quên trong tinh thần cháu sau này.

Cách đó không lâu, tháng 7 ở xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, Gia Lai), 3 cháu bé cùng một gia đình tử vong do đuối nước trong một vụ việc. Nguyên do là cha mẹ bận đi làm rẫy, để con tự quản, chơi với nhau.

Và chỉ cần đánh từ khóa "Xâm hại trẻ em" trên trình duyệt Google, ta có thể tìm thấy ngay không ít hơn 600 nghìn thông tin về các vụ xâm hại tình dục, hành hung, bạo lực học đường... gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em.

Giữa tháng 7, trong sự kiện "Ngày hội gia đình phòng, chống đuối nước trẻ em" diễn ra tại Hà Nội, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Tai nạn đuối nước đang cướp đi mạng sống của gần 2.000 trẻ em mỗi năm và là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, bà Angela Pratt cho biết, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỉ suất đuối nước trẻ em cao trên thế giới. Vì vậy cần tập trung vào dạy cho trẻ em trong độ tuổi đến trường các kỹ năng bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng cứu nước an toàn", đại diện WHO nói.

Bàn tay nào đưa về phía các em? Một bạn đọc gửi đến báo Lao Động câu hỏi sau khi xem các thông tin các trường hợp bắt cóc, đuối nước, bạo lực học đường... Đó đang là mối băn khoăn lớn của không ít bậc phụ huynh mỗi ngày đưa đón con đến trường, với lòng phấp phỏng bất an.

Theo số liệu của UBND thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn có khoảng 1,8 triệu trẻ em (chiếm tỉ lệ 18,8% dân số TP); trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm hơn 10.000 trẻ và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng khoảng 19.500 trẻ.

Năm 2021 thành phố có 114 trẻ em bị xâm hại, năm 2022 tăng lên 147 trẻ và tính trong 4 tháng đầu năm 2023 đã có 65 trẻ bị xâm hại. Vì vậy công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian qua là một trong những vấn đề được ưu tiên.

Phân tích số liệu và bản chất sự kiện cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, không chỉ là người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội.

Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình... Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng "lòng tốt" nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi.

Sinh thời, Hồ Chủ tịch có hai câu thơ chứa chan tình yêu thương trẻ em của Bác; đồng thời làm kim chỉ nam cho ngành giáo dục nước nhà: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

Mong rằng từng gia đình, từng tổ chức có liên quan đến trẻ em; đặc biệt ngành giáo dục “Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phải ý thức, hiểu đầy đủ lời răn dạy đó, mà cùng chung tay quan tâm, chăm lo đến thế hệ măng non của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn