MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam: "Mục tiêu của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải là giảm chi phí, tăng lợi nhuận chứ không phải bán tín chỉ carbon". Ảnh: Phương Anh

Bán tín chỉ carbon không phải là mục tiêu cao nhất

TRƯỜNG NHÂN LDO | 06/09/2024 19:46

Nhiệm vụ của Đề án là xây dựng phương thức để giảm chi phí tốt nhất, tăng lợi nhuận cao nhất cho nông dân, không phải bán tín chỉ carbon.

Đó là lời của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện 7 mô hình thí điểm vụ đầu tiên của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án) do Bộ này chủ trì.

Hãy nhìn những con số mà 7 mô hình thí điểm mang lại sau vụ đầu tiên: Chi phí đầu vào giảm 10-15%. Trong đó giảm 40-50% lượng giống gieo sạ; 30-40% lượng phân bón đạm; giảm 3-4 lần phun thuốc BVTV; giảm 30-40% lượng nước tưới. Giá thành sản xuất 1 kg lúa giảm từ 7-20% và lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình từ 12 - 20%. Và một điều quan trọng nhất: Tất cả các mô hình đều có doanh nghiệp liên kết thu mua lúa, một số mô hình được các doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua cao hơn so với bên ngoài mô hình.

Như vậy là 9 tháng kể từ thời điểm Đề án được phát động, đã có những “quả ngọt” đầu tiên mà đối tượng chính được thụ hưởng là những nông dân tiên phong tham gia thí điểm.

Trở lại thời điểm tháng 12.2023, ngay sau khi Đề án chính thức phát động, thông tin về việc trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp có thể mang đến lợi ích từ việc bán tín chỉ carbon đã thu hút sự quan tâm rất lớn. Thu hút, bởi việc “bán khí trời” là điều chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, nhất là chỉ vài tháng sau đó, Việt Nam đã nhận được hơn 50 triệu USD đầu tiên từ bán tín chỉ carbon càng khiến nhiều địa phương có diện tích cây xanh lớn bắt đầu khởi động để tham gia thị trường mới mẻ này.

Tuy nhiên, thời điểm đó, trong một talkshow trên Báo Lao Động về Đề án này, GS.TS Võ Tòng Xuân đặc biệt nhấn mạnh đến việc tổ chức lại hệ thống sản xuất làm sao để giảm chi phí, giảm phân thuốc, tăng lợi nhuận và đặc biệt là tổ chức lại mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người trồng lúa.

Thu được tiền từ bán tín chỉ carbon, đặc biệt bán tín chỉ carbon từ trồng lúa giảm phát thải, là điều rất đáng vui mừng. Nhưng suy cho cùng, để Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thực sự mang lại hiệu quả, hơn ai hết, những người làm ra nó cũng phải được thụ hưởng cuộc sống chất lượng cao. Ít nhất, nông dân không phải nơm nớp lo chuyện thương lái bỏ cọc hay giá lúa khi trồi khi sụt diễn ra nhan nhản ngay vụ Đông Xuân vừa rồi hay vụ Hè Thu hiện nay. Ít nhất, nông dân không phải nhìn đồng lúa chín vàng mà nơm nớp không biết liệu có đủ trả tiền phân bón hay không…

Đó là điều mà nông dân đã thở phào mừng rỡ khi tham gia thí điểm Đề án. Nhưng, 7 mô hình với hơn 300ha thí điểm chỉ là con số rất nhỏ cho vụ đầu tiên. Dự kiến nhân rộng lên 200.000ha ở vụ Đông Xuân tiếp theo của Bộ NNPTNT cũng chỉ mới vài phần trăm trong tổng diện tích gần 4 triệu ha đất trồng lúa trên cả nước. Điều cần thiết là từ kết quả thí điểm, ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu và đề ra được giải pháp để hàng triệu nông dân không chỉ sống được, mà phải sống khỏe với đồng ruộng của mình. Chỉ khi đó, mục tiêu giữ vững 3,5 triệu ha lúa theo Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 34/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội mới thực sự đạt được hiệu quả và bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn