MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bảo hiểm thể thao với góc nhìn “thực chất bảo hiểm”

LÊ VINH LDO | 22/12/2023 08:18

Sự việc vận động viên Nguyễn Minh Triết của đội Thể dục Dụng cụ trẻ bị tai nạn là điều rất đáng tiếc, nhưng nó đồng thời đặt thể thao Việt Nam vào câu chuyện bảo hiểm.

Đã có nhiều vụ việc kiện tụng, đưa nhau ra tòa về hoạt động bảo hiểm (ở nhiều lĩnh vực), khiến cái nhìn ác cảm với 2 từ “bảo hiểm” ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, về mặt bản chất, bảo hiểm vốn không xấu, chỉ suy nghĩ và cách hành động của con người khiến hình thức này nhận về đánh giá tiêu cực.

Phải hơn 1 tháng sau tai nạn, lời kêu gọi trợ giúp mới được đưa ra. Có thể hiểu rằng, cho dù Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia “trả toàn bộ”, nhưng khi thời gian điều trị kéo dài với chi phí đắt đỏ, nguồn lực tài chính hoàn toàn không thể đồng hành. Câu hỏi đặt ra là, nếu chàng trai mới 17 tuổi được (hoặc tự) mua bảo hiểm, Liên đoàn Thể dục Dụng cụ có cần phải kêu gọi sự trợ giúp? Lẽ ra, yếu tố chia sẻ, trợ giúp từ những tấm lòng hảo tâm chỉ là sự bổ sung, trong khi bảo hiểm - với những điều khoản được ký kết cụ thể về các góc độ được bảo hiểm - có thể giải quyết được nhiều vấn đề.

Rất nhiều ngôi sao thể thao trên thế giới ý thức được chuyện bảo hiểm cho chính mình từ sớm, bằng những bản hợp đồng có giá trị cực lớn - chỉ để bảo hiểm cho ngón tay, mái tóc, bàn tay, cổ tay, mắt cá chân. Như Lionel Messi chẳng hạn, hợp đồng bảo hiểm đôi chân của anh lên đến 750 triệu Euro.

Đưa ra câu chuyện của các ngôi sao thế giới không phải để so sánh mà nhấn mạnh rằng, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ “công cụ” tạo ra thu nhập cho các vận động viên là điều cần thiết. Bảo hiểm để lường trước và ứng phó những rủi ro - đặc biệt cao trong hoạt động tập luyện, thi đấu thể thao, kể cả không phải các môn đối kháng.

Tại sao thể thao Việt Nam chưa làm được? Vì còn nghèo, còn chưa thể tự nuôi mình, nên tâm lý chung là bỏ ra một số tiền không nhỏ mua bảo hiểm không hợp lý - chưa nói đến cách diễn đạt trực diện, “khó nghe” hơn… Tất nhiên, chẳng ai muốn bị tai nạn để nhận được bảo hiểm, nhưng, ở góc độ khác, nếu có bảo hiểm, các vận động viên sẽ yên tâm hơn trong tập luyện, thi đấu, cống hiến. Hơn nữa, bảo hiểm cũng có thể là một khoản tích lũy cho sau này...

Theo đánh giá của DBRS Morningstar - cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu, hoạt động kinh doanh bảo hiểm thể thao trên toàn thế giới sẽ đạt 600 tỉ USD vào năm 2025. Riêng thị trường bảo hiểm Lloyd’s ở London đã bảo lãnh hơn 150 triệu bảng phí bảo hiểm chỉ cho các hợp đồng bảo hiểm tai nạn và sức khỏe liên quan đến thể thao.

Rất khó để thực hiện được ngay, nhưng về mặt tổng thể, sự thay đổi phải đưa đến bài toán là thể thao Việt Nam phải tự nuôi được mình trước đã.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn