MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới đối với người thứ 3 còn mang tính hình thức. Ảnh: Nguyễn Đông

Bảo hiểm xe máy, hãy cho người dân thấy họ có lợi và quyền thật sự

Hoàng Văn Minh LDO | 19/03/2024 20:15

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, bảo hiểm xe máy cần là bắt buộc, vì quyền lợi của người dân, trong khi nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ.

Sáng 18.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về nhóm vấn đề thuộc ngành tài chính. Trong đó, một trong những nội dung chất vấn được dư luận quan tâm nhất trong thời gian qua là vấn đề bắt buộc hay không bắt buộc người dân mua bảo hiểm xe máy.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói rằng, thời gian vừa qua, tai nạn xe máy rất lớn, chiếm khoảng 63% trong các vụ tai nạn. Vì vậy, bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi người dân.

Thêm vào đó, người tham gia bảo hiểm xe máy thì số tiền nộp ít (55.000 đồng/năm) nhưng số tiền hưởng nhiều, lên tới tối đa 150 triệu đồng/người. Tức là việc này quan tâm đến lực lượng yếu thế khi sử dụng xe máy.

Tóm lại, quan điểm của Bộ Tài chính là cần bắt buộc người dân mua bảo hiểm xe máy vì quyền lợi của chính họ, vì họ là lực lượng yếu thế cần được bảo vệ!

Những con số và lập luận mà Bộ Tài chính nêu ra rất hợp tình, hợp lý, có tính nhân văn. Tuy nhiên, lại đang có độ chênh nhất định khi vận hành thực tế vì rất nhiều lý do.

Và hệ lụy, như Báo Lao Động vừa có loạt bài đề cập, bảo hiểm xe máy đối với người dân đang là một gánh nặng. Gánh nặng này đôi khi không phải là con số 55.000 đồng/năm. Mà ở việc khi có sự cố xảy ra, gần như rất ít người nhận được tiền đền bù từ bảo hiểm do thủ tục quá nhiêu khê, rườm rà, kiểu “được vạ thì má sưng” do các công ty bảo hiểm chưa làm hết trách nhiệm, đẩy phần khó cho người dân.

Còn tại phiên chất vấn 18.3, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) cho hay, “cử tri và nhân dân phản ánh, thời gian qua việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới đối với người thứ 3 còn mang tính hình thức”.

Hay trao đổi hành lang với phóng viên Lao Động, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) “đề nghị, nên bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy, bởi vì điều này rất hình thức và chỉ có lợi cho cơ quan bảo hiểm chứ người dân thì thấy thủ tục để hưởng bảo hiểm thường rất rườm rà, nhiêu khê".

Cuối cùng thì “bỏ hay giữ” vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đã nêu một giải pháp có tính thiết thực, rất đáng lưu tâm. Rằng "bỏ hay giữ" việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với người sở hữu xe môtô, xe máy cần có sự rà soát cụ thể. Bởi tất cả chính sách phải xuất phát từ nhu cầu thực tế.

Bà Nga cho rằng, “phải rà soát xem trong thời gian qua, chúng ta quy định bắt buộc như thế thì hiệu quả của việc này đến đâu. Một ngày, chúng ta thấy có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, số phương tiện bị hư hỏng nhiều thì trong các vụ đó giải quyết, hỗ trợ được bao nhiêu vụ?".

Đồng ý bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi người dân, là bảo vệ lực lượng yếu thế. Nhưng để làm được điều này, Bộ Tài chính cần có sớm có các giải pháp hiệu quả hơn.

Làm sao để cho người dân thấy rằng, họ có quyền và lợi thật sự khi tham gia mua bảo hiểm xe máy. Đừng để bảo hiểm xe máy chỉ “rất hình thức, chỉ có lợi cho cơ quan bảo hiểm” như đại biểu Phạm Văn Hòa đã nói!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn