MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
UBND huyện Ea H'leo, Đắk Lắk tổ chức công khai xin lỗi cô giáo bị "vu oan" hôm 31.10.2023. Ảnh: Phan Tuấn

Bạo lực học đường không thể giảm được từ một mệnh lệnh hành chính

Thanh Hải LDO | 26/11/2023 17:11

Liên tiếp xảy ra bạo lực học đường nghiêm trọng, ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) tỉnh Đắk Lắk đã ra văn bản chỉ đạo các trường phải... giảm thiểu đến mức thấp nhất vấn nạn này.

Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk thống kê, từ đầu năm học 2023 - 2024 đến nay, chỉ hơn 2 tháng đã xảy ra 6 vụ bạo lực học đường, với 19 đối tượng liên quan.

Hành vi bạo lực của các trò hết sức nghiêm trọng. Hung bạo khi đánh nhau, miệt thị, xúc phạm nhau giữa đám đông, cả ngoài đường lẫn trong trường học... Quan ngại hơn là thái độ dửng dưng của bạn bè chứng kiến. Không can ngăn, lại còn quay clip, tung lên mạng xã hội.

Kèm với chỉ đạo các trường phải tìm giải pháp giảm thiểu, Sở GDĐT Đắk Lắk cũng có đưa ra một số biện pháp để phòng, tránh, ngăn chặn bạo lực học đường. Trong đó có tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng, phối hợp với Công an để tuyên truyền...

Bạo lực học đường đang là vấn nạn nhức nhối, xảy ra khắp nơi cả nước, không riêng ở Đắk Lắk. Nhưng 2 tháng có đến 6 vụ, chỉ phát hiện khi clip tung lên mạng xã hội là quá nhiều.

Trong khi Sở yêu cầu các trường tìm giải pháp giảm thiểu bạo lực, thì chính ngành này - các "tấm gương" trực tiếp là thầy cô lại có những ứng xử đầy... "bạo lực" với nhau, với học trò của mình.

Mới 31.10.2023, UBND huyện Ea H'leo, Đắk Lắk đã phải công khai xin lỗi 2 cô giáo, vì trước đó, ngành GDĐT, Hội đồng thi đua khen thưởng đã kết luận oan, "vu" cho họ liên quan đến "tín dụng đen" và "sử dụng mạng xã hội không chuẩn mực"... Để bảo vệ uy tín, danh dự, các cô giáo đã phải làm đơn cầu cứu, tố cáo thì mới có kết quả này. "Bạo lực" tinh thần đã xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tình cảm của các cô.

Huyện cũng đã hủy quyết định và thu hồi kết quả thi đua hơn 1.700 trường hợp cá nhân, tập thể... do sai sót của Hội đồng thi đua khen thưởng. Thêm nhiều cán bộ, giáo viên bị tổn thương, ảnh hưởng tâm lý từ hệ lụy này.

Ngày 25.11, cũng tại huyện Ea H’leo, lãnh đạo Trường THCS Lê Lợi (xã Ea Hiao) xác nhận kết quả xác minh vụ việc cô giáo bị phụ huynh tố cáo dùng lời lẽ miệt thị, xúc phạm học sinh, khiến cháu bị suy kiệt là đúng sự thật.

Cô P.Q.A đã thừa nhận có dùng lời lẽ miệt thị học sinh khi làm chủ nhiệm lớp 8A6, năm học 2022-2023.

Cô giáo Q.A "quan tâm" học sinh này bất thường. Chăm chăm bắt lỗi đồng phục, trực nhật, thái độ chú ý bài... Có vi phạm, cô mắng nhiều, bắt đứng học. Hành xử "bạo lực" của cô Q.A kéo dài vài tháng, khiến trò này sụt hơn 10kg, stress nặng, phải vào viện điều trị...

Giảm thiểu bạo lực học đường vẫn biết là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng trước hết phải bắt đầu từ gia đình và ngay ngôi trường học hàng ngày của các em.

Thầy cô giảng điều hay nhưng hành xử không chuẩn mực, làm trái, thì chỉ có hậu quả. Giáo viên mà ứng xử với nhau, với học trò đầy "bạo lực" như các vụ việc vừa nêu ở Đắk Lắk, thì khó mong có trò ngoan và môi trường nhân văn, thân thiện.

Tấm gương sáng nhất là từng lời ăn tiếng nói, từ thái độ cử chỉ, là hành vi ứng xử với nhau, với học trò, với môi trường xung quanh, từng giờ, hàng ngày chứ không chỉ từ sách vở hay quy định, văn bản chỉ đạo từ cấp trên.

Yêu cầu các trường giảm thiểu các vụ bạo lực học đường là việc làm đúng, cần thiết, nhưng Đắk Lắk và cả ngành GDĐT cần xem lại chính những "tấm gương" của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn