MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân Cà Mau chằng chống nhà cửa ứng phó với bão số 16. Ảnh: Nhật Hồ.

Bão số 16 với mức độ “thảm họa”: Nhà cửa sẽ bay như lá?

Anh Đào LDO | 25/12/2017 11:18
Tại nông thôn ĐBSCL, trên 90% nhà cửa thuộc loại bán kiên cố và nhà đơn sơ. Những căn nhà này chỉ cần một luồng gió xoáy tương đương cấp 5, cấp 6 (trong thang cấp gió Beaufort) là đổ sập tức thì. Trong khi đó, bão số 16 đang dự báo gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13.

Những con số thống kê là của PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ. Còn thực tế, đó là những ngôi nhà kiểu “nhà đá, nhà đạp”, dựng bằng lá, bằng tôn, đạp là đổ. 

Nếu bão 16 vào ĐBSCL, có thể hình dung ra một kịch bản thảm họa là nhà cửa sẽ bay như lá.

Nhớ hồi kỷ niệm 20 năm “thảm họa” Linda, có một sự chủ quan lớn đã được nhắc tới. Nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Huy Ngọ kể: Khi các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương gọi điện đến lãnh đạo địa phương cảnh báo, họ đều nói, trong đây làm gì có bão mà ngoài đó cứ hốt hoảng.

Một cán bộ địa phương cho rằng: “Biển Tây - biển Kiên Giang là vùng thánh địa, xưa nay chưa hề có bão, các anh ở Hà Nội vừa quan liêu, vừa không hiểu biết gì về vùng này”.

Lãnh đạo thì chủ quan, dân thì thờ ơ. Có người còn kháo nhau, còn hồ hởi đi xem bão là gì, vì vùng đất này cả trăm năm nay bình yên, chưa hề có khái niệm về “bão”.

Và, với chỉ sức gió cấp 8- 9, bão Linda đã khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương; số nhà bị sập là 107.892,… thiệt hại về vật chất ước tính 7.200 tỉ đồng. Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau đã có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương. Một thảm họa trăm năm.

Năm nay, chính Thủ tướng đã nhắc lại cơn bão Linda như một bài học đẫm nước mắt phải trả bằng rất nhiều sinh mạng, tài sản của dân. Năm nay, các kịch bản ứng phó đã được triển khai từ rất sớm. Và năm nay, con số cả triệu dân được cảnh báo để sơ tán tránh bão đã được triển khai.

Nhưng vẫn phải đặt ra câu hỏi, vậy thì ĐBSCL lấy gì để chống bão?

Câu trả lời là không có câu trả lời.

Vùng đất 4 nhất: Nghèo nhất, lạc hậu nhất, hưởng phúc lợi xã hội thấp nhất, dễ bị tổn thương nhất giờ đây đã phải hứng chịu những cơn lũ lịch sử, triều cường lịch sử, hạn mặn lịch sử, và tới đây sẽ là những cơn bão với mức độ thảm họa lịch sử. 

Bởi bên cạnh sự biến đổi khí hậu, “nhân tố con người” giờ cũng gây hại không kém, khiến ĐBSCL mất đi sự hiền hoà, ổn định vốn có. Nói như Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, ông Trần Hữu Hiệp. Đó là những chuỗi đập thủy điện “treo túi nước” ở thượng nguồn Mekong, các dự án “trích máu dòng sông” khắp châu thổ. Mà những điều đó không chỉ đơn giản ứng phó bằng cách chịu bão với những mái lá “đạp là đổ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn