MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một hoạt động trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam. Ảnh: Văn Thể Huế.

Bảo tồn di sản, không nên viện dẫn luật một cách cực đoan

Hoàng Văn Minh LDO | 17/08/2023 22:11

Báo Lao Động thông tin, Cục Di sản của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa phát văn bản yêu cầu Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cục Di sản cho rằng, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế có hoạt động làm “sai lệch di sản khi đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản….” liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu.

Trước đó, tại Triển lãm mỹ thuật quốc tế - hoạt động phối hợp tại Hội thảo khoa học quốc tế Kết nối với Việt Nam lần thứ 14 tại Huế, đã diễn ra hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, do một số nghệ nhân, thanh đồng miền Bắc thực hiện.

Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn trả lời Cục Di sản văn hoá và giải thích rằng, đó chỉ là hoạt động “diễn giải di sản” trong một không gian hẹp để phục vụ cho một nhóm đối tượng hẹp là các nhà nghiên cứu văn hoá trong và ngoài nước dự hội thảo chứ không phải hoạt động “trình diễn di sản” để phục vụ công chúng trong không gian mở.

Đồng tình với quan điểm “diễn giải di sản” của Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, người từng là Trưởng ban soạn thảo Luật Di sản – cũng có mặt tại sự kiện ở Huế - nói trên Lao Động rằng, “văn bản của Cục Di sản văn hóa có phần nóng vội”.

Thật ra nói “nóng vội” là có phần gia giảm. Bởi trong khi Cục Di sản văn hoá phát văn bản “tuýt còi” Thừa Thiên Huế và trước đó là với nhiều địa phương khác, yêu cầu không được “vi phạm nguyên tắc thực hành di sản văn hoá phi vật thể”.

Nhưng chính Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, trong thời gian qua là đơn vị tổ chức và cho phép tổ chức rất nhiều hoạt động có tính chất “vi phạm nguyên tắc thực hành di sản văn hoá phi vật thể” theo các tiêu chuẩn mà Cục Di sản văn hóa đưa ra khi đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản.

Điển hình như trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 mới đây, tại Quảng trường Hùng Vương (Phú Thọ) liên tục diễn các tiết mục trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được UNESCO ghi danh, trong đó có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Và các hoạt động này không hề “bị” Cục Di sản văn hoá nhắc nhở như với các địa phương!

Trả lời Lao Động, GS.TS Trương Quốc Bình nói một ý rất hay: “Tôi cho rằng, phải hiểu được những quy định, những trường hợp có lợi cho việc bảo vệ, phát huy, lan truyền rộng rãi giá trị di sản tới cộng đồng. Đừng viện dẫn luật một cách cứng nhắc và cực đoan”.

Tuy nhiên, nếu cần thiết phải “cực đoan”, trước hết về nguyên tắc quản lý Cục Di sản muốn chấn chỉnh các địa phương thì trước hết hãy “chấn chỉnh” ngược lại Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Và bản thân Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nếu không làm gương cho các địa phương, thì các văn bản yêu cầu các địa phương chấn chỉnh được phát đi, sẽ rất khó phát huy hiệu quả…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn