MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bảo vệ danh dự khoa học như mạng sống

LÊ THANH PHONG LDO | 07/03/2018 07:00

Theo danh sách Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố ngày 6.3, có 1.131 người được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017. Như vậy, tạm thời giảm 95 người so với danh sách đạt chuẩn GS, PGS của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thông báo đầu tháng 2.2018.

May quá, nếu không có dư luận lên tiếng, không có chỉ đạo của Thủ tướng về rà soát danh sách GS, PGS năm 2017, thì sẽ có nhiều nhà khoa học chưa đủ chuẩn trở thành GS, PGS.

Theo danh sách mới, có nhiều người là quan chức phải xem xét lại, đó là các ứng viên GS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, ứng viên GS Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ứng viên PGS Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, ứng viên PGS Hà Anh Đức - Thư ký Bộ trưởng Bộ Y tế, ứng viên PGS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ứng viên PGS Lê Quang Minh - Giám đốc Sở Y tế Hà Nam, ứng viên PGS Trịnh Thanh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ Khoa học và Công nghệ...

Những người này thuộc diện rà soát lại, không phải là bị loại bỏ. Cho nên, phải xem xét một cách khách quan, công bằng, không thể vì họ là quan chức cho nên không được là giáo sư, và cũng không phải vì họ là quan chức nên du di cho qua, phải minh bạch từng trường hợp.

Nhưng như vậy cũng chưa đủ, phải công bố danh sách và hồ sơ khoa học của 1.131 GS, PGS được cho là đạt chuẩn, để cộng đồng khoa học theo dõi, nếu có phát hiện sai sót, đạo văn, thì phải làm rõ. Một đợt rà soát vừa qua chưa phải là “chân lý khoa học”.

Những người bị đưa xuống danh sách rà soát lại cũng có thể lên tiếng để bảo vệ mình, vấn đề không phải là cái danh, cái gọi là học hàm, mà là danh dự khoa học. Chắc gì những người ngồi ghế hội đồng đã giỏi hơn người bị loại, nếu như không có đối thoại khoa học sòng phẳng.

Là nhà khoa học chân chính, khi có ai phản biện về công trình của mình, dứt khoát họ sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ danh dự khoa học. Chỉ có nguỵ khoa học mới né tránh, lẩn trốn.

Mong rằng các nhà khoa học Việt Nam có được phẩm chất cao quý đó, xem danh dự khoa học như chính mạng sống của mình. Và khi chúng ta có được đội ngũ khoa học chân chính, thực chất, thì khi đó chúng mới có nền học thuật đẳng cấp quốc tế và sản phẩm khoa học tầm nhân loại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn